Noo Phước Thịnh cho biết 10 năm bước chân vào showbiz là không ít những rực rỡ, huy hoàng. Nhưng nhìn lại, anh cũng đã mất rất nhiều, đặc biệt là các mối quan hệ.
Năm 2009, Noo Phước Thịnh bắt đầu con đường âm nhạc nhưng chỉ bước sang năm 2010 anh đã thực sự nổi tiếng với vai trò ca sĩ. Sau 10 năm, giọng ca sinh năm 1988 đã nhận về không ít thành quả, đã có live show hàng chục nghìn khán giả, đã đứng trên những sân khấu lớn nhất trong nước và cả những lễ hội âm nhạc quốc tế, cũng đã có không ít bản hit, đã ngồi ghế nóng giám khảo, đào tạo ra những học trò.
Nhưng có một thứ không thay đổi, Noo Phước Thịnh vẫn ở cùng bố mẹ suốt 32 năm qua ở TP.HCM, vẫn ăn cơm mẹ nấu, vẫn cần báo gia đình nếu đêm không về nhà.
– Anh là một người con rất ngoan đấy nhỉ?
– Ngoan không! (cười).
– Làm sao để ngoan như vậy khi đã 32 tuổi và nổi tiếng 10 năm trong showbiz?
– Thì là như vậy rồi, một người con phải ở với gia đình, nhà cũng ít người mà. Nếu không đi hát hoặc đi đâu thì ở nhà, cũng phải biết tâm tư của ba mẹ, hôm nay ba có chuyện gì vui buồn không, hay có ai ăn vụng đồ ăn gì của mẹ không, quả cam quả chuối chẳng hạn (cười).
– 10 năm là một hành trình như thế nào?
– Mọi người nhìn Noo Phước Thịnh bây giờ có thể phần nào hình dung chặng đường 10 năm đã qua. Rực rỡ và huy hoàng nhưng cũng đầy gian truân và bế tắc. Chỉ là nó chưa dừng lại, vì sẽ còn rất nhiều 10 năm nữa, còn rất nhiều thử thách nữa.
– Tiền bạc, danh tiếng, đào hoa, những bản hit… hay cái gì là được nhất sau 10 năm?
– Tất cả điều đó, dĩ nhiên, tài chính không là không đủ, Noo Phước Thịnh đi diễn nhiều mà, nói không có tiền ai tin. 10 năm mà không có danh tiếng thì có lẽ cũng chẳng nên đi hát nữa. Tôi đã có đủ mọi thứ, đến lúc này. Phải nói là dường như mình chả thiếu gì nhưng cũng mất mát rất nhiều.
– Nhiều ra sao?
– Mất rất nhiều đấy bạn. Đây không phải là câu trả lời mọi người đoán được đâu, mọi người không cảm nhận được. Có người mất rất nhiều nhưng lại là rất ít, có người mất một thôi nhưng là mất tất cả.
– Vậy mà số đông vẫn nghĩ hành trình nghệ thuật của anh quá suôn sẻ?
– Xin lỗi bạn, nhìn bên ngoài tưởng vậy nhưng tôi đã mất cả những thứ không bao giờ lấy lại được, không gì bù đắp được. Bây giờ tôi đã xem nhẹ mọi thứ hơn rồi, chứ 1-2 năm trước, tôi có thể khóc trước mặt bạn ngay.
Trước đây có những điều mất đi tôi nghĩ mình phải dành cả một đời người để níu giữ lại. Lúc nào tôi cũng lăn tăn, rất buồn. Nhưng giờ tôi bỏ ra khỏi đầu những điều đã mất, yêu bản thân mình hơn.
– Mất cả những mối quan hệ?
– Mất rất nhiều mối quan hệ.
– Là ai?
– Thủy Tiên chẳng hạn.
– Nhưng, tại sao?
– Có những chuyện trên trời rơi xuống, có những mối quan hệ mình đã bị cướp trên bàn tay mình. Đông Nhi là như vậy đó, nhưng tôi đã “cướp” lại Đông Nhi, tôi đã giành lại mối quan hệ đó. Tôi giật lại điều mình đã bị cướp đi.
Vì sao tôi làm vậy? Vì mối quan hệ đó thật đẹp và thật may là Đông Nhi đã lắng nghe tôi. Chúng tôi giờ đã bình thường như xưa.
– Tại sao có trường hợp cố giành lại, cũng có trường hợp chưa giành lại?
– Mất mát quan hệ là mất mát trong lòng. Tôi sợ nhất là bị hiểu lầm. Tôi ghét sự hiểu lầm nhưng đôi khi tôi không lên tiếng, không biện bạch, tôi để những hiểu lầm trôi đi, rồi thành ra mất quan hệ.
Trong những mối quan hệ, mỗi người có tư duy riêng, khó mà có sự trùng lặp, đôi khi cố chưa chắc đã có kết quả. Có mất mát không bao giờ bù đắp được, không bao giờ khỏa lấp được nhưng mình phải chấp nhận.
– Anh nghiệm ra điều gì sau tất cả?
– Đôi khi có những điều đúng cũng không nhất thiết phải nói ra, mỗi người có góc nhìn khác nhau, tư duy khác nhau. Ngày hôm đó chuyện xảy ra là đã xảy ra, có quên được hay không là do mình thôi.
Tôi chỉ cố gắng để sống đúng bản ngã và không bao giờ thay đổi tư duy khán giả của mình. Đó là điều tôi luôn cố gắng. Dù thế nào, dù chuyện gì xảy ra, mình vẫn phải bảo vệ tư duy khán giả của mình.
– Trước khi chờ anh đến, tôi có xem lại một livestream của anh trên mạng và nhận thấy những khác biệt rất lớn cả về diện mạo, trang phục, biểu cảm so với khi anh đứng hát trên sân khấu. Có ai nhận xét như vậy chưa?
– Cũng có nhiều người nói vậy. Nhưng phải khác thôi. Tôi giống như người đa nhân cách vậy. Khi mình mặc bộ quần áo đi diễn, trang điểm, mình mang tâm thế ngôi sao, còn khi xong việc, trở về với cuộc sống bình thường, mình lại thành con người khác.
Đó là những con người khác nhau sống trong cùng một cơ thể. Nhưng không đối nghịch, sự khác nhau ấy truyền cảm xúc cho tôi.
Trên sân khấu, phải chừng mực, còn về đời thường, nói chuyện hay livestream với khán giả là một Noo Phước Thịnh gần gũi hơn, không còn quá xa vời.
– Gần gũi thật không! Vì tôi đọc được một số bình luận trên mạng là khi livestream, trông anh hơi “sân si”?
– Nhiều livestream của các nghệ sĩ khác cũng nhận ý kiến trái chiều như vậy. Chẳng sao cả vì họ có gần mình đâu, họ đâu đủ biết mình là người như thế nào. Họ có quyền nói, còn mình sống thế nào là do mình, đâu phải vì họ mà mình thay đổi.
– Nhưng nếu trên sân khấu và đời thường quá khác nhau thì đâu là con người thật?
– Đâu cũng là con người thật cả. Nhiều người bảo Noo khi hát là người rất hay nhưng gặp ngoài thì trông khó gần. Nhưng cứ tiếp xúc đủ sẽ thấy sự gần gũi, thoải mái và chẳng có gì là phức tạp.
Chỉ là khi hát mình không thể mang cái lo toan, trăn trở vào để thết đãi khán giả, mình phải kể câu chuyện đồng điệu với bài hát. Còn khi không đứng trên sân khấu, mình được thoải mái hơn, mình được phép thể hiện những vui buồn thật nhất của mình qua khuôn mặt.
Nhưng ở đâu cũng là sống thật, không trái với bản thân.
– Tại sao nghệ sĩ nổi tiếng phải đặt mình vào những cuộc livestream, và sẵn sàng chấp nhận bị chửi bới bằng bình luận ngay bên dưới. Như ví von là sao cứ phải mở cửa nhà mình để cho người khác vào chửi?
– Nhưng tại sao không dám đặt mình vào điều đó. Chửi mãi rồi cũng nhàm chán. Còn nghệ sĩ cứ sống và làm việc đúng theo bản ngã của mình thôi. Nghệ sĩ là người của công chúng mà công chúng thì có quyền nêu lên những quan điểm, tự do ngôn luận mà.
Mình chẳng cần bận tâm nhiều chuyện đó, cuộc sống bây giờ nhanh đến mức, nếu mình cứ mải mê loay hoay với những suy nghĩ thì mình không chạy được với xã hội. Buồn vì điều đó mà làm gì.
– Noo Phước Thịnh, công bằng mà nói, không phải nghệ sĩ đầy rẫy scandal, âm nhạc của anh cũng rất văn minh, lãng mạn, tình cảm. Nhưng tại sao khi anh xuất hiện trên mạng, đôi khi lại phải hứng chịu những bình luận châm biếm nặng lời?
– Cũng chẳng biết lý do, ngày xưa tôi còn đi tìm, tại sao người ta nói nặng nói nhẹ như thế. Nhưng rồi nó như vòng lặp, người đi nói nặng người khác thì một ngày cũng sẽ bị nói nặng lại. Mình cứ cố vùng vẫy với dư luận ngoài kia để làm gì.
Tôi sống để hướng về phía trước thay vì sống để vừa lòng tất cả. Người khác có thể nhảy lên, cấu xé gào cắn người châm biếm mình, còn Noo Phước Thịnh thì không, tôi mỉm cười mà sống.
Con đại bàng không nhảy lên giông bão thì không thể làm vua của bầu trời.
– Anh cho mình đã là “con đại bàng”?
– Ý là tôi không còn đau vì những vết thương, còn là đại bàng chưa thì tôi không trả lời được. Chỉ là tôi thích hình ảnh con đại bàng, muốn trưởng thành phải tự đập mỏ vào đá và tự nhổ đi bộ lông của mình.
Nhưng đó là triết lý để sống thôi, chứ tôi chẳng nghĩ mình là con đại bàng hay chúa tể gì đâu. Như vậy vô vị lắm, cứ sống, có thể trầy xước, có thể chịu nhiều định kiến nhưng xin cảm ơn hết vì tất cả giúp mình trưởng thành. Cuộc sống có đấu tranh là cuộc sống thú vị.
– Có khi nào anh nghĩ mình bị châm biếm, định kiến nhiều hơn từ thời điểm nói yêu Mai Phương Thúy? Nhiều người vẫn cho rằng điều ấy thật hài hước!
– Không phải đâu. Con gà tức nhau tiếng gáy, sơ hở của mình là vũ khí để đâm vào chính cơ thể của mình. Tất nhiên, việc gì cũng từ mình mà ra. Nhưng chuyện bị nói này, nói kia bắt đầu lâu lắm rồi, chứ không phải từ thời điểm nói về Mai Phương Thúy.
Noo Phước Thịnh biết tất cả nguồn ngạnh xuất phát của những điều tiếng. Tôi biết phe cánh đó nhưng cố gắng xử lý để làm gì. Tôi nghiệm ra được nhiều thú vị từ những “vết dao” dư luận và cũng nhờ đó mà có một Noo Phước Thịnh như bây giờ.
– Anh mới nói về hình ảnh con đại bàng, mà đại bàng thì cô độc?
– Tôi đôi lúc còn kinh hãi và hoảng loạn về sự cô độc của mình. Cô độc một cách khủng khiếp. Nhưng cô độc là bạn chứ không phải là thù.
– Có ai đồng hành với anh, cùng đi qua cảm giác cô độc?
– Chắc chắn là một mình. Không ai cả!
– Thời điểm nào là khó khăn nhất của một người “một mình, không ai cả”?
– Là khủng hoảng tuổi 30, tiến không được, lùi không xong. Bây giờ thì 32 tuổi rồi nhưng 32 năm qua, tôi có cảm giác mình sống cho người khác chứ không sống cho mình.
Tâm hồn tôi không còn chỗ trống nào là không có vết thương. Vết thương cũ chưa kịp lành, vết thương mới đã đến. Chỉ khi nhận thấy điều ấy, tôi mới bắt đầu yêu thương bản thân mình hơn một chút.
– Vết thương lớn nhất đến từ đâu?
– Là sự nghiệp. Đau đớn nhất là khi mình không có cảm xúc để làm bất cứ chuyện gì. Đôi khi tôi nghĩ mình tài năng, mình nhảy được, mình biến hóa được, mình hát được nhiều thể loại. Nhưng làm nhiều như vậy thì cái gì đọng lại? Rồi mỗi khi đứng trên sân khấu, tôi bị áp lực rất lớn, mình phải thăng hoa ra sao, mình phải biểu diễn thế nào.
Đôi khi khán giả đến vì cái tên Noo Phước Thịnh, vì một người bằng xương bằng thịt, không phải vì một bài hát. Đó là lý do tôi luôn tự trách mình vì đã không đưa tới khán giả những sản phẩm mới, những điều thú vị hơn.
Có giai đoạn tôi cảm giác mình không làm được gì, không có ý tưởng, tôi loay hoay như đứng ở vực thẳm. Và tôi thấy mình cũng chẳng tài giỏi như mình nghĩ. Một cảm giác sợ hãi!
– Tại sao phải sợ hãi đến vậy khi mà anh vẫn có khán giả, vẫn có lời mời biểu diễn?
– Tại sao lại không? Tôi là trụ cột gia đình, tôi nuôi ê-kíp lớn. Nếu không còn cảm xúc mình không hát được, không phát triển được, đó là sự nguy hiểm. Rồi ai lo cho gia đình, ê-kíp sẽ về đâu.
Mọi người bảo cứ như vậy cũng “ok”, vẫn đi hát, vẫn có show, vẫn có tiền. Nhưng cứ như vậy mãi, cứ bế tắc thì tôi không làm được. Đó là lý do tôi quyết định phải lao đầu vào “bụi gai”, chấp nhận những thử thách. Có dạo mọi người bảo tôi lạc lối, tôi trông khác quá, đó là khi tôi lao vào “bụi gai” đó.
Có bài thu hai năm vẫn chưa ra mắt được, tôi hoảng loạn nhưng vẫn quyết định phải tiếp tục. Mình phải cố giấu đi sự hoảng sợ vì mình là thủ lĩnh trong ê-kíp, mình mà buông thì… toang.
– Vậy là những khoảng thời gian biến mất, những thay đổi trong khoảng 2-3 năm trở lại đây hoàn toàn là cuộc khủng hoảng tuổi 30 và xuất phát từ những bế tắc trong ý tưởng âm nhạc?
– 10 năm trước, tôi vào nghề. Hát một năm thì được giao hát nhạc phim. Hai năm thì có live show mời 8 ca sĩ “hot” nhất TP.HCM thời điểm đó. Vài năm sau nữa thì ngồi ghế nóng Giọng hát Việt nhí, rồi Giọng hát Việt, chưa kể live show với 35.000 khán giả, đã tham gia lễ hội âm nhạc lớn.
Tôi từng ở đỉnh của mình nhưng khi 30 tuổi thì rơi vào cơn lốc đến mức phải ẩn dật. Nói vậy để mọi người hiểu cơn lốc tệ với tâm lý của tôi như thế nào. Quá tệ, không thể nào tệ hơn được nữa.
– Giữa cơn lốc, có bao giờ anh nghĩ về ngày xưa không, về thời điểm trước khi đi hát và tất nhiên không phải gánh trên vai những áp lực vươn lên như vậy?
– 10 năm trước, trước ngày mà tôi gửi chiếc đĩa đầu tiên cho người quản lý hiện tại, mẹ tôi đặt một sấp tài liệu trên bàn và nói rằng: “Con xem tài liệu này đi, ngày mai gặp cô nhân sự”. Mẹ tôi là kế toán và mẹ muốn tôi trở thành một kế toán.
Tất nhiên, tôi đã chọn con đường trở thành ca sĩ và đã thành ca sĩ. Nhưng đã có thời điểm, giữa những giông bão ngoài kia, thương tổn mà mình phải chịu, tôi chỉ muốn quay về và nói rằng: “Mẹ ơi, con muốn lấy lại tập tài liệu đó”.
Tôi nhớ là hồi nhỏ, ngồi sau lưng cha trên đường đi học. Tôi tự đặt ra những mục tiêu, đầu tiên là sẽ đi du học, rồi có bạn gái và làm họa sĩ phim hoạt hình. Nhưng đến giờ thì một mục tiêu là lo cho gia đình và thành công trong công việc của mình, tôi cũng chưa làm được. Công việc thì có giai đoạn bị kẹt, còn gia đình mình cũng chưa lo được vẹn toàn.
– Anh luôn trăn trở về sự vươn lên, thậm chí từng khủng hoảng vì không thể làm mới con người nghệ sĩ của mình, không mang đến những giá trị mới cho khán giả. Nhưng ở góc độ quan sát, nhiều người lại nghĩ rằng sở dĩ các ngôi sao hạng A thế hệ 8X đôi khi bồn chồn, đôi khi lo sợ chỉ vì thị trường hiện nay quá sôi động với những giọng ca rất trẻ, nhiều ca sĩ đời cuối 9X, thậm chí 2000 nhưng đã rất nổi tiếng, chiếm lĩnh đường đua?
– Không, chuyện khủng hoảng cá nhân lại là chuyện khác, nó là khủng hoảng tuổi 30, vì những áp lực gia đình, áp lực làm mới, áp lực thành công hơn nữa, áp lực giữ bản ngã của mình.
Nó không đến từ chuyện thế hệ trong giới nghệ sĩ. Nghệ sĩ cũng có cộng đồng, cũng phân tầng lớp, có đàn anh, đàn chị, đàn em, nối tiếp các thế hệ. Chẳng lẽ cứ có người mới là người trên lại bồn chồn.
Tôi nhìn nền nghệ thuật như một cộng đồng chung, mọi người đều cố gắng sáng tạo, hoạt động. Từ lâu tôi không còn hoang mang vì nhân tố mới, tôi đã ở một vị trí đủ vững vàng để không cần phải lo sợ. Lúc này là lúc những nhân tố mới phải lo lắng, lăn tăn, chứ đâu phải chúng tôi.
Mà âm nhạc đôi khi còn đi qua ranh giới thế hệ. Có những khán giá rất trẻ vẫn nghe Mỹ Linh, Hồng Nhung, Trần Thu Hà, Quang Dũng. Có người lớn vẫn nghe Min, Erik, Sơn Tùng M-TP. Âm nhạc thú vị lắm, đấy là nói thật, chứ không phải câu trả lời huề cả làng đâu.
– Nhưng không thể phủ nhận một cuộc đua ngày càng khốc liệt, giữa các thế hệ và giữa cả cùng thế hệ?
– Cũng vừa vừa thôi vì mọi người giờ cũng đều hiểu đua tranh, trending đôi khi cũng không được gì nhiều. Như dịch Covid-19 vừa rồi thì đường đua nào cho bạn tranh, show nào cho bạn giật, hoàn cảnh như nhau cả thôi!
Theo Zing.vn