Vào năm 1968, bản nhạc trữ tình có tên Hoa sứ nhà nàng (tức Hoa sứ nhà em) ra đời. Ca khúc đầu tay của Hoàng Phương là một chuyện tình dang dở, chuyện chia xa buồn nhưng đẹp đến vô cùng. Hoa sứ nhà nàng là tình cảm mà nhạc sĩ dành cho người yêu ở chung xóm, cô gái tên Liên bất ngờ đi lấy chồng. Nhạc sĩ thất tình viết nên Hoa sứ nhà nàng. Tuy nhiên đây là bài hát bị hát sai nhiều nhất, sai cả lời lẫn tựa đề của bài hát. Theo bản gốc phát hành trước 1975, bài có tên là Hoa sứ nhà em. Sau năm 1975, qua nhiều dị bản, nhiều ca sĩ khác nhau hát, bài hát bị đổi tên thành Hoa sứ nhà nàng. Ngoài việc sai tựa đề, nhiều ca sĩ hát sai hầu hết phần lời. Ngay từ các chữ đầu của bài hát đã bị hát sai là: “Đêm đêm ngủ mùi hương” bị đổi thành “Đêm đêm ngửi mùi hương”.
Như trong Người Kể Chuyện Tình, chủ đề nhạc sĩ Hoàng Phương, khi nghe Tùng Lâm hát Hoa sứ nhà nàng, Thái Châu cho rằng nam ca sĩ đã hát sai câu đầu, từ “ngửi” hát thành “ngủ”. Tuy nhiên, Tùng Lâm giải thích anh được gia đình nhạc sĩ cho xem văn bản nhạc gốc ca khúc là “ngủ” và chính anh cũng bất ngờ với lời bài hát.
Nhận xét tiết mục, Thái Châu đánh giá Tùng Lâm hát dạt dào tình cảm, cột hơi vững vàng, vuốt ve, tuy nhiên cần nhả chữ nhẹ nhàng hơn. Thùy Trang cho rằng Tùng Lâm hát có chất riêng, mới mẻ, thả hồn vào bài hát đầy cuốn hút.
Mẹ Gò Công là ca khúc nổi tiếng ra đời ở thập niên 80 của Hoàng Phương. Từng nghe Bảo Yến hát ca khúc nhưng Phương Dung ấn tượng với màn trình diễn đặc sắc của Bảo Đăng. Nam ca sĩ thể hiện hòa âm mới mẻ cùng phần dàn dựng đặc sắc. Thùy Trang khen ngợi chất giọng Bảo Đăng, khi sử dụng ngũ cung Nam Bộ. Cô hãnh diện cho quê hương Tiền Giang khi được xem một tiết mục dàn dựng công phu. Thái Châu khen ngợi hình ảnh người đàn ông trưởng thành, chững chạc, hát dạt dào, luyến láy của Bảo Đăng, khẳng định đây là bước ngoặc cho các ca sĩ nếu chạm vào các bài hát bolero ấn tượng.
Sau tiết mục, bà Mộng Vân tiết lộ Hoàng Phương thương và viết Mẹ Gò Công dành tặng mẹ: “Hoàng Phương thương mẹ, khi đi đâu ông cũng mua một món quà, bánh trái mang về cho mẹ. Mẹ chồng tôi mất năm 2015, bà rất hiền. Mẹ chồng lo lắng, giúp tôi giữ con để tôi được đi làm, nuôi chồng con, suốt đời tôi không thể nào quên”.
Châu Ngọc Hiếu mang chút căng thẳng khi thể hiện Chiếc cầu chiều mưa. Tuy nhiên, Thùy Trang ghi nhận sự nỗ lực trong giọng hát, cách nam ca sĩ giữ vững cột hơi. Thái Châu góp ý nam ca sĩ nên nghiên cứu ca khúc để có những ý tưởng thăng hoa hơn. Ca khúc nổi tiếng này kể về cơ duyên Hoàng Phương gặp gỡ người vợ hiện tại: “Ngày tôi biết nhạc sĩ Hoàng Phương là khi ông học lớp 10 tại Mỹ Tho. Trên một chiếc xe đò, tôi nhìn thấy ông lật giở những bài hát viết về Gò Công. Ba năm sau, một lần Hoàng Phương có ghé tiệm nhà tôi, duyên nợ của tôi và ông bén từ ngày nào không hay”.
Nguyễn Kiều Oanh với Chuyện tình hoa muống biển gây ấn tượng mạnh mẽ khi thân thành bà Mộng Vân, những tháng ngày vất vả chạy xe ôm nuôi chồng. Nhìn sự hóa thân của Kiều Oanh, vợ nhạc sĩ Hoàng Phương bật khóc khi nhìn lại hình ảnh của bản thân trên sân khấu. Phương Dung cũng bật khóc cho biết, bài hát khiến bà xúc cảm, Kiều Oanh “hát dễ dàng như uống một ly nước” bằng sự truyền cảm, kỹ thuật cao. Thùy Trang ngợi khen giọng hát của Kiều Oanh với quãng rộng, xử lý nốt thấp đẹp.
Thái Châu nhận xét: “Chưa chắc gì khi Kiều Oanh hát ở ngoài, ca khúc sẽ hay như vậy nếu không có phần bối cảnh dàn dựng quá xúc động, làm sao mà vợ của Hoàng Phương không khóc. Tôi cảm thấy ghen tỵ khi một ca sĩ nhạc trẻ hát những bài này rất tốt như thế này”.
Sau đêm thi, tổng kết kết quả vòng 7 với chủ đề nhạc sĩ Hà Phương – Hoàng Phương, Nguyễn Kiều Oanh là ca sĩ có tổng số điểm cao nhất là 59,75 điểm, Tùng Lâm đạt 58,75 điểm, Bảo Đăng với 58,25 điểm và Châu Ngọc Hiếu với 57,25 điểm.
Người Kể Chuyện Tình tập 15 sẽ tiếp tục với chủ đề nhạc sĩ Văn Cao với màn tranh tài gay cấn của Bảo Đăng, Kiều Oanh, Châu Ngọc Hiếu và Tùng Lâm sẽ phát sóng lúc 21 giờ thứ Năm, ngày 17/9/2020 trên kênh THVL1. Chương trình do Đài Truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp sản xuất.