Lê Bê La là một cái tên không hề xa lạ với khán giả phim truyền hình, cô vừa trở lại với vai diễn Hiểm – cô hầu xấu tính, nhiều chuyện bị nhiều người ghét trong phim Tiếng sét trong mưa. Từ lúc theo đuổi môn nghệ thuật thứ 7, Lê Bê La đã tham gia gần 40 bộ phim lớn nhỏ. Ngoài ra, cô còn góp mặt trong một số vở kịch như Siêu tỷ phú, Cuộc sống là thế đấy, Vợ thằng Đậu… Nhưng ít ai biết Lê Bê La từng đam mê nhảy hip hop và muốn theo học bộ môn này từ những năm cấp 3.
Tại tập 81 Phụ nữ ngày nay vừa phát sóng vào 17g Chủ nhật, 27/10 trên THVL1 với chủ đề “Thời điểm nào nên buông tay để con tự lập?”, nữ diễn viên Lê Bê La đã chia sẻ câu chuyện của mình với những khách mời khác là diễn viên Hoàng Mập, chuyên gia tâm lý Lê Thị Linh Trang và MC Liêu Hà Trinh.
“Nói thật ra thì Lê Bê La thuộc dạng được bảo bọc từ nhỏ, chỉ biết đi học rồi về phụ giúp ba mẹ, rồi việc gì cũng có mẹ theo lo lắng, còn ba thì rất khó tính và nghiêm khắc. Mình đi thi đại học mẹ cũng đi cùng, tới lúc mình đi học thì mẹ cũng theo để đóng tiền học và tiễn mình đi. Nói chung là từ nhỏ Lê Bê La sống trong tình thương bảo bọc của ba mẹ, nhưng cũng vì vậy mà có một số điều mình rất uất ức nhưng không làm gì được.
Ba của Lê Bê La là một người rất nghiêm khắc, chỉ xin đi trình diễn thời trang cùng các bạn trong trường thôi mà cũng không cho còn la rầy ‘bây giờ đang lớp 12 không lo học mà lo chơi mấy cái này là sao?’. Hồi trước mình còn rất mê nhảy hip hop, vì cá tính năng động nên mình rất muốn đi học nhảy hip hop. Mình nhìn người ta đi học nhảy mà mình ‘thèm thuồng’, thậm chí mình đã lấy tiền dành dụm được từ việc nuôi heo phụ ba mẹ, nhặt cà rơi rụng dưới đất để đem bán mà xin đi học nhảy. Nhưng dù cho có nói thế nào thì ba vẫn không đồng ý để Lê Bê La đi học nhảy mà mình cũng không thể lén nhà đi học được. Nên lúc ấy tâm lý của mình bị ức chế cực kỳ!”, nữ diễn viên chia sẻ.
Việc bảo bọc con quá kỹ càng mà không để con tự lập, tự phát triển khả năng của bản thân không những làm tâm lý con bị ức chế như trường hợp của Lê Bê La mà còn có thể khiến con mất đi tuổi thơ như trường hợp của Hoàng Mập. “Con của Hoàng Mập là bằng chứng sống của việc bảo bọc con quá kỹ càng và không để con tự lập đúng lúc, mình tự thấy con mình bị thiệt thòi so với các bạn. Con của Hoàng từ nhỏ cho đến lúc học cấp 2, cấp 3 thì hai vợ chồng mình vẫn thay phiên nhau đưa đón con tới trường mỗi ngày. Vợ chồng mình kiểm soát con rất kỹ, không cho con chạy xe và không để con giao du với bất kỳ thành phần nào khác sau giờ học. Mình cứ theo dõi con mình và rồi mình tự cảm giác rằng chính mình đã làm con mình không có tuổi thơ mà ai cũng nên có.
Nếu như những bạn khác đi du lịch với trường một cách rất tự do, thì Hoàng vẫn tìm xin thông tin và đi theo đoàn du lịch của con. Mặc dù không vào tận nơi với con nhưng Hoàng vẫn ở một chỗ không quá xa để quan sát con và để phòng hờ nếu con có chuyện gì thì mình sẽ có mặt ngay lập tức”, Hoàng Mập cho biết.
Để trả lời câu hỏi “Thời điểm nào nên buông tay để con tự lập?”, chuyên gia tâm lý Lê Thị Linh Trang cho rằng không có độ tuổi cụ thể nhất định. “Đối với cá nhân tôi, ngay từ khi con vừa có ý thức về bản thân thì tôi đã rèn luyện cho con những kỹ năng cần thiết để khi mình không còn trên đời thì con vẫn có thể tự lập được.
Tùy vào độ tuổi mà cách mình tập cho con tự lo cho bản thân cũng khác nhau. Đầu tiên nên tập cho con tự ăn, không cần phải đút. Thứ hai, nên tập cho con tự mặc quần áo và để con tự chọn quần áo cho mình và còn có thể dạy con tự làm vệ sinh nữa. Khi con biết nói, nên dạy con cách tự biết diễn đạt ý muốn của mình, dẫn dắt để con có khả năng tự đưa ra quyết định của mình. Và ba mẹ nên là người đồng hành cùng con trên đường đời chứ không nên là người quyết định thay con trên từng bước đi”, chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm của bản thân.
Đón xem tập 82 Phụ nữ ngày nay sẽ phát sóng vào 17g Chủ nhật, ngày 3/11 trên THVL1.