logo
Thứ hai, 13/05/2024 09:05:34

Chuyện đấu tố mua giải, chơi xấu ở các cuộc thi hoa hậu sát chung kết


Gần như cuộc thi hoa hậu nào cũng vướng lùm xùm, không ít thì nhiều, nhất là sát đêm thi chung kết. Những tin đồn mua giải, dao kéo, đời tư ồn ào không còn là chuyện hiếm.

Cách đây khoảng hơn 20 năm, khi những cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đầu tiên được tổ chức, câu chuyện hậu trường đấu tố đã được cho là khá “khốc liệt” và những ứng viên sáng giá thường có mặt trong danh sách này. Một số lời tố là đúng, nhưng cũng có lời tố sai sự thật.

Những ứng viên nặng ký là mục tiêu của tin đồn

Theo lời kể của ông Dương Xuân Nam, nguyên trưởng ban tổ chức Hoa hậu Việt Nam, tại cuộc thi năm 1992, người đẹp tên Đặng Ci Mi là ứng viên nặng ký, sở hữu nhan sắc rực rỡ hơn cả Hà Kiều Anh. Trước đêm chung kết, đơn tố cáo Đặng Ci Mi có chồng được gửi đến ban tổ chức. Các bác sĩ nhân trắc học phải tiến hành kiểm tra lại và công an vào cuộc để tìm ra Đặng Ci Mi có con 3 tuổi.

Năm 2004, cả hai thí sinh sáng giá là Nguyễn Thị Huyền và Trịnh Chân Trân đều có tên trong các đơn thư tố cáo. Nội dung lá thư nói rõ Nguyễn Thị Huyền bị đánh ghen cạo trọc đầu, thí sinh Trịnh Chân Trân dùng bằng thạc sĩ giả và gia đình có vấn đề.

Sau khi cử người đi xác minh, kết hợp gặp trực tiếp hai ứng viên, ban tổ chức xác nhận những lời tố là sai sự thật. Cuối cùng, Nguyễn Thị Huyền đăng quang ngôi vị cao nhất và Trịnh Chân Trân là á hậu 1.

Chuyen dau to mua giai, choi xau o cac cuoc thi hoa hau sat chung ket hinh anh 1
Nguyễn Thị Huyền từng bị tin đồn bủa vây. 

Khi nhắc đến trường hợp của Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền, ông Dương Xuân Nam từng chia sẻ với Zing.vn: “Trường hợp của Nguyễn Thị Huyền, thời gian chỉ còn một buổi chiều trước đêm chung kết. Nhưng anh chị em ở báo đã xác minh đầy đủ, chính xác. Cuối cùng Nguyễn Thị Huyền đăng quang, sau đó tham gia cuộc thi Hoa hậu Thế giới và đoạt giải cao. Tôi nhớ thời đó còn tạo ra một cơn sốt ngưỡng mộ cô ấy”.

Ông nói thêm: “Khi xuất hiện những tin đồn hay đơn tố cáo, ban tổ chức phải xem xét kỹ, nhất quyết không bỏ qua trường hợp nào. Áp lực lớn nhất là khi rơi vào những thí sinh sáng giá, có khả năng trở thành hoa hậu hay á hậu, trong khi đó thời gian xác minh còn rất ít”.

Tương tự, năm 2006, thí sinh Lưu Bảo Anh (Cần Thơ) sớm được dự đoán là đối thủ mạnh cạnh tranh chiếc vương miện Hoa hậu Việt Nam. Tuy nhiên, sau đó nhiều tin đồng không hay bủa vây người đẹp này. Cô bị tố cặp đại gia, sống thử, bị đuổi học.

Ban tổ chức đã về tận quê nhà của Bảo Anh để kiểm tra thông tin. Sau lùm xùm, Bảo Anh giành giải á hậu 1 và Mai Phương Thúy đăng quang.

Tung tin bất lợi để hạ bệ đối thủ

Một ông bầu trong giới chia sẻ đa số thí sinh đi thi đều có ê-kíp hỗ trợ sau lưng. Việc đấu tố, tung tin đôi khi chính là cách để hạ bệ đối thủ và tạo cơ hội cho bản thân. Với sự bùng nổ của mạng xã hội hiện nay, thay vì gửi đơn đến ban tổ chức, người ta chỉ cần đăng tải hình ảnh và thông tin trên trang cá nhân về một thí sinh nào đó. Ngay lập tức, cô gái này lọt vào “tầm ngắm”, bị cư dân mạng truy lùng. 

Còn nhớ, năm 2014, Phạm Mỹ Linh được đánh giá là ứng viên sáng giá tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. Ngay khi vòng chung kết cuộc thi khởi động, thí sinh này bị tố từng sửa mũi trên một fanpage.

Làm việc với ban tổ chức, Phạm Mỹ Linh khẳng định chưa từng phẫu thuật thẩm mỹ và viết giấy cam đoan. Cô cũng được đưa đi chụp X-quang sống mũi để minh oan. Tuy nhiên, trước sức ép dư luận, Mỹ Linh tự nguyện viết đơn xin rút lui khỏi cuộc thi vì gia đình không ủng hộ, sức khỏe và tinh thần bị khủng hoảng.

Tại Hoa hậu Việt Nam 2016, “nàng thơ xứ Huế” Lê Trần Ngọc Trân, một gương mặt sáng giá, bị tố đã tham gia cuộc thi Kim Mộc Hỏa Thổ (Hoa hậu Việt Nam Thế giới 2014) tại Nhật Bản với danh hiệu á hậu. Sau đó cô bị tước danh hiệu vì bị phát hiện giả mạo chữ ký của cơ quan chức năng.

Trước sự việc ồn ào, Ngọc Trân tự viết đơn xin rút lui khỏi cuộc thi. Cô thừa nhận tham dự cuộc thi Kim Mộc Hỏa Thổ năm 18 tuổi mà không xin phép các cơ quan chức năng. Tuy nhiên người đẹp phủ nhận chuyện đạt danh hiệu và giả mạo chữ ký của Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn

Ngoài ra, một kiểu tin đồn phổ biến khác ở đấu trường nhan sắc là tin mua giải và gần như cuộc thi nào (dù lớn hay nhỏ) đều có.

Hoa hậu Biển 2016 Phạm Thùy Trang, Hoa hậu Đại dương Lê Âu Ngân Anh, Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu Thu Ngân, Hoa hậu Việt Nam Kỳ Duyên… đều từng có tên trong danh sách nghi vấn. 

Năm 2017, khi tham gia Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Mâu Thủy cũng bị đồn sẽ đăng quang vì đã chi tiền mua giải. Thông tin cô có đại gia chống lưng xuất hiện nhiều trên mạng xã hội. Tuy nhiên, không có bằng chứng xác thực nào được đưa ra.

Cuối cùng, Mâu Thủy đoạt giải á hậu 2, người đăng quang là H’Hen Niê. Khi đó, người đẹp đáp trả dư luận: “Nếu người ta đồn đoán tôi sẽ đăng quang vì có người chống lưng hay điều gì khác vốn đã là một điều không đúng rồi. Vì tôi hoạt động trong lĩnh vực thời trang 5 năm nay và hoàn cảnh, cuộc sống của tôi như thế nào, nhiều người biết rất rõ”.

Mới nhất, một tài khoản mạng tung tin đồn cuộc thi Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2019 mua bán giải. Ba thí sinh được nhắc đến là những gương mặt gây chú ý – Anh Thư, Tường San, Thùy Linh. Ban tổ chức phản ứng mạnh mẽ bằng cách tổ chức họp báo, tuyên bố sẵn sàng trao một tỷ đồng cho ai cung cấp được bằng chứng về việc mua – bán giải thưởng. 

Chuyen dau to mua giai, choi xau o cac cuoc thi hoa hau sat chung ket hinh anh 4
Hậu trường các cuộc thi nhan sắc luôn ồn ào. 

Lý giải cho việc vì sao hầu hết cuộc thi hoa hậu có lùm xùm, ông Dương Xuân Nam bày tỏ trong một bài phỏng vấn: “Là cuộc thi sắc đẹp liên quan đến nhiều vấn đề nhạy cảm, nếu có việc này việc khác cũng là đương nhiên. Vấn đề là giải quyết như thế nào cho tốt”. 

Quan điểm của ông là “một trăm lời đồn chưa phải là sự thật và nếu là sự thật thì biết đâu đằng sau đó còn có một sự thật khác”.

Theo tiết lộ của một nhân vật trong giới, chuyện mua bán giải thưởng tất nhiên có tồn tại, nhưng tùy chất lượng từng cuộc thi và không phải tin đồn nào cũng đúng. Bởi để mua giải, người mua còn cần có mối quan hệ, chứ không chỉ đơn giản là có tiền.

Còn theo nhà thiết kế Việt Hùng – người có kinh nghiệm nhiều năm đưa thí sinh đi thi – nếu muốn ồn ào, tai tiếng không xảy ra thì không nên tổ chức thi hoa hậu.

“Nguyên nhân của việc này là văn hóa thua cuộc của người Việt Nam không cao và văn hóa cạnh tranh không lành mạnh. Có những thí sinh không đáp ứng đủ tiêu chuẩn cuộc thi nhưng vẫn cố tham gia, cuối cùng khi bị phanh phui sẽ dẫn đến những lùm xùm”, anh chia sẻ trong chương trình Chuyện cuối tuần. 

 

Màn diễn áo tắm nóng bỏng của 39 người đẹp Hoa hậu Thế giới Việt Nam Trình diễn áo tắm là một trong những phần thi phụ quan trọng của Miss World Vietnam 2019.

Theo Zing.vn


Từ Khóa:

Tin Liên Quan