Mặc dù chủ đề của tập 8 không quá căng thẳng nhưng “ghế nóng” của 6 nghệ sĩ tham gia Quyền lực ghế nóng 2018 lại nóng hơn bao giờ hết. Hai cô gái độc lập, cá tính Nam Thư và Phương Mai đã không kìm được những giọt nước mắt trên sóng khi nói về nỗi day dứt, tiếc nuối dành cho người thân đã khuất. Nhạc sĩ nổi tiếng điềm tĩnh Nguyễn Văn Chung cũng đã có phần mất bình tĩnh và phát cáu lên khi bị anh chàng độc thân Trương Thế Vinh dạy cách giáo dục con. Bất ngờ hơn là sự dừng chân của “quý cô hoàn hảo” Thanh Vân Hugo cùng với nam ca sĩ Đinh Mạnh Ninh.
Đêm thi thứ 8 của Quyền lực ghế nóng có 2 chủ đề. Chủ đề đầu tiên là “Tiếc”, có 3 nghệ sĩ tham gia tranh luận là Nam Thư, Phương Mai và Đinh Mạnh Ninh.
BTC đã đưa ra 1 tiết mục kịch do đạo diễn Ngọc Duyên và Vũ Trần dàn dựng, nói về người đàn ông đầy tham vọng là Tú (do NSƯT Hữu Quốc đóng lúc già và Nguyễn Anh Tú đóng vai thời trẻ). Vì tham vọng của mình mà Tú sẵn sàng lừa gạt tiền người bạn thân của mình là Thắng (do diễn viên Lâm Thắng đóng). Rồi cũng vì tham vọng mà Tú ruồng rẫy người bạn gái đã chung sống nhiều năm với mình là Trang (diễn viên Hồng Trang), khiến cô phải bỏ đi đứa con trong bụng và rồi phải nhảy sông tự vẫn. Tuy nhiên, Trang không chết mà may mắn được Thắng cứu sống. Sau này, cả hai nảy sinh tình cảm và nên duyên chồng vợ, sống với nhau rất hạnh phúc. Còn Tú sau đó cũng có vợ khác nhưng vợ anh ngoại tình cùng gã trợ lý, riêng Tú thì chết bất đắc kỳ tử trong cô độc. Sau khi Tú chết, thần Chết (diễn viên Thanh Tuấn) đã cho Tú cơ hội nhìn thấy lại những hành động sai trái của mình trong quá khứ. Đến lúc này, Tú mới ân hận và hối tiếc nhưng tất cả đã quá muộn…
Ở góc độ của 1 diễn viên và cũng từng làm đạo diễn, Nam Thư cho rằng nếu để cho nhân vật hối tiếc ngay lúc còn sống thì sẽ không giải quyết được vấn đề. Nếu là đạo diễn, cô sẽ để cho nhân vật nhìn thấy và cảm nhận được lỗi lầm này ngay khi còn sống để có thê sửa sai. So với sự mạnh mẽ của các tập trước, khi nói về chủ đề này, Nam Thư khá xúc động và mắt đỏ hoe. Có lẽ đoạn kịch khiến cô liên hệ với câu chuyện buồn của chính mình. Nam Thư chia sẻ điều mà cô hối tiếc nhất, dằn vặt nhất mà có lẽ đến cuối cuộc đời này cô cũng không tha thứ cho chính mình đó là đã đánh mất 1 người với cô không chỉ là 1 người thân mà còn là 1 tri kỉ, một người thương cô nhất trên đời này. Khi người đó không còn trên cõi đời này, cô mới nhận ra bản thân đã rất tệ. Cô hối tiếc vì khi người ấy còn sống mình đã không làm được cho người ấy nhiều hơn và cũng chưa kịp nói lời xin lỗi trước khi người ấy mất. Từ câu chuyện mà mình chia sẻ, Nam Thư muốn gửi gắm thông điệp mọi người hãy sống vì những điều xung quanh mình, trân trọng những cuộc gặp gỡ, bởi đó có thể là lần cuối cùng mình được gặp họ hay lần cuối họ được gặp mình. Đứng trước câu hỏi lựa chọn giữa cái tiếc trong tình yêu và cái tiếc trong sự nghiệp, cô chọn cái tiếc trong sự nghiệp bởi cô cho rằng, nếu mất đi sự nghiệp thì cô không còn gì cả, không có thể lo cho bố mẹ và các em, còn nếu mất đi tình yêu thì cô vẫn còn có gia đình, người thân bên cạnh.
Cũng như Nam Thư, Phương Mai cũng không kìm được những giọt nước mắt khi nói về người bà quá cố của mình khiến người xem xúc động. Siêu mẫu chia sẻ có một giai đoạn, cô đã có những quyết định sai lầm về bản thân, con đường sự nghiệp, lối sống đạo đức. Bà của Phương Mai mất vì bệnh của tuổi già, song lúc đó Phương Mai đã không gặp bà khi bà mất vì cô đã lựa chọn một 1 công việc để làm. Và điều này chính là cái tiếc lớn nhất mà Phương Mai không bao giờ quên và không cho phép bản thân mình quên, bởi với cô, điều này như một hồi chuông thức tỉnh và giúp cô nhận ra 1 điều: Gia đình luôn là điều quan trọng nhất. Với Phương Mai, không có sự lựa chọn nào quan trọng hơn gia đình, kể cả việc bị “bạn trai ruồng bỏ trong 1 hoàn cảnh khốn nạn”. Cô cũng đã ôm nỗi luyến tiếc cho mối tình này trong nhiều năm nhưng rồi sau đỏ cô đã bỏ xuống được và học được cách hoàn thiện, phát triển bản thân nhiều hơn nữa. Cô khẳng định, “tiếc” là 1 dạng cảm xúc cá nhân, cho thấy sự thức tỉnh, cho thấy sự tiến hóa trong tâm lý của mỗi người. Có những cái tiếc bắt buộc phải bỏ đi nhưng có những cái tiếc là kim chỉ nam cho cuộc đời thì phải giữ”. Với những lập luận chặt chẽ, cách trình bày thuyết phục và duyên dáng, Phương Mai nhận được nhiều lời khen của khán giả. Cô cũng là nghệ sĩ có khởi đầu chậm nhưng chắc và ngày càng bứt phá trên sàn đấu ngôn từ của chương trình.
Nói về sự luyến tiếc trong tình yêu, Đinh Mạnh Ninh cho rằng một khi đã hết tình cảm thì anh sẽ chia tay, còn nếu còn tình cảm thì anh sẽ không bao giờ chia tay. Và nếu anh là người chủ động chia tay thì anh sẽ không tiếc. Anh sẽ mong cho người mình yêu tìm được bến bờ khác ổn định và yêu người ấy nhiều hơn anh. Còn nếu anh là người bị bỏ, anh sẽ luyến tiếc cho những cơ hội trong quá khứ mà mình đã chưa làm được tốt hơn cho người yêu và rút kinh nghiệm cho cuộc tình khác sau này. Mặc dù là người luôn đưa ra những quan điểm tích cực nhưng so với các nghệ sĩ cùng chơi, Đinh Mạnh Ninh có phần kiệm lời và phần tranh luận của anh chỉ mới đưa đến 1 góc nhỏ của mỗi chủ đề. Với tổng điểm thấp nhất, là 33.5 cho 2 đêm thi (tập 7 và 8), Đinh Mạnh Ninh đã phải chia tay với chương trình.
Giám khảo khách mời Giáng My cho rằng với những giọt nước mắt của 2 cô gái vàng showbiz là Nam Thư và Phương Mai, ghế nóng của chương trình đã trở thành ghế mưa. Chị cho biết mình khá ngạc nhiện với Nam Thư vì trước giờ cô vẫn giống như một con ngựa chiến nổi loạn, chỉ biết phóng về phía trước nhưng qua những chia sẻ, quan niệm rất sâu sắc của cô . Còn người gây ấn tượng nhất với chị chính là Phương Mai. Lập luận rất chặt chẽ, khúc chiết, đầy đủ nội dung và bất kỳ người con gái nào cũng có thể thấy chính mình trong những chia sẻ của Phương Mai. Còn với Đinh Mạnh Ninh, chị thấy anh vẫn còn rất ngây thơ trong trẻo nên những lập luận có phần lý thuyết quá, chưa thuyết phục được chị.
Giám khảo Lê Thẩm Dương nhận xét: Tiếc là 1 dạng cảm xúc của con người khi họ làm sai 1 điều gì đó theo cảm nhận của họ. Chỉ có trọng tài thời gian mới nhìn thấy điều này. Có những sự việc rõ ràng là sai nhưng lại không sai, ví dụ như ly hôn. Tại sao ly hôn lại sai? Ly hôn là tuyệt vời trong tình huống đó khi cả hai vợ chồng đều không tiếc. Chính vì vậy tiếc hay không mang tính hoàn cảnh cá nhân. Người ta chỉ tiếc khi qua thời gian người ta thấy mình sai thật. Tiếc xảy ra có 2 trường hợp: vô tình hoặc bản chất. Người ta thường tiếc cho: sức khỏe, tình yêu – hôn nhân – gia đình, bạn bè, sự nghiệp. Nguyên nhân để phải hối tiếc đó là: vô tình, thiếu rèn luyện, nhận thức. Sai chiến thuật có thể sửa được, sai chiến lược là bỏ đi. Cũng giống như việc bất tín, bất hiếu, bất nghĩa vẫn có thể sửa được nhưng bất nhân thì không. Hãy tiếc nuối chiến thuật, đừng tiếc nuối chiến lược. Muốn chống lại cái tiếc, chỉ có 1 cách duy nhất đó là phải học. Trong 3 nghệ sĩ, Nam Thư nói vô tình nhưng đúng lắm. Nếu đợi chết đi mới tiếc thì bạn nên chết đi. Mình chết thì sướng lắm nhưng để lại đại họa cho cha mẹ, vợ con là hèn mạt lắm! Phải chủ động thấy được cái sẽ tiếc. Đinh Mạnh Ninh nói thẳng thắn, tuy ngôn ngữ thiếu kinh nghiệm nhưng nội hàm cần 1 sự chắc chắn là đúng lắm. Phương Mai nói rành rõ lắm, quyết đoán lắm. Còn về cái tiếc của nam và nữ có sự khác nhau về chiến thuật, về hình thái thì nó mang tính giới tính. Đặc điểm giới tính của đàn ông là càng nhiều càng tốt và khi thấy người phụ nữ thì lập tức có phản xạ duy trì nòi giống, còn phụ nữ thì chỉ thích con tốt nhất nhưng vẫn thích được nhiều người thích.
Nếu như phần tranh luận đầu tiên khá “ướt át” thì phần tranh luận thứ 2 ở chủ đề “Xin lỗi – Cảm ơn” lại là một cuộc khẩu chiến thật sự giữa nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung và ca sĩ-diễn viên Trương Thế Vinh. Có lẽ khi chủ đề đụng tới con cái, ông bố 2 con Nguyễn Văn Chung đã có phần mất bình tĩnh hơn so với mọi khi, nhất là khi người phản đối cách dạy con của anh lại là anh chàng vẫn còn độc thân Trương Thế Vinh.
Ở chủ đề này, BTC đưa ra một trích đoạn cải lương do đạo diễn Ngọc Duyên và Vũ Trần dàn dựng nói về 3 nghệ sĩ cải lương là Dương Hữu (Hữu Quốc), Hồng Trang (Hồng Trang), Tuấn Cảnh (Thanh Tuấn). Thời còn trẻ, Dương Hữu là một nghệ sĩ cải lương nổi tiếng. Chính anh là người dìu dắt nghệ sĩ Hồng Trang vào nghề và từ đó giúp cô trở thành cô đào sáng giá. Tuy nhiên, ở thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp, Dương Hữu sa vào cờ bạc, rượu chè, trai gái và sa ngã, dẫn đến việc sự nghiệp tan nát. Dương Hữu bỏ nghề và sống bằng nghề may vá. Ông không quên được nỗi oán hận dành cho Tuấn Cảnh – người đồng nghiệp từ đóng thế vai của anh mà trở nên nổi tiếng. Sau nhiều năm, Tuấn Cảnh và Hồng Trang tìm được Dương Hữu và mời ông tham gia đêm diễn đặc biệt của Hồng Trang để tri ân khán giả và cũng để cô được nói lời cảm ơn người anh, người thầy, người tình sân khấu đầu tiên đã dìu dắt cô vào nghề. Và lời cảm ơn này được Hồng Trang và Thanh Tuấn thể hiện 1 cách thiết thực đó là thực hiện ước mơ được trở lại sân khấu của Dương Hữu. Lý do mà BTC chọn tiết mục nghệ thuật cải lương truyền thống cho chủ đề này là vì BTC muốn đặt vấn đề liệu văn hóa xin lỗi – cảm ơn trong thời đại công nghệ 4.0 có gì thay đổi.
Với nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, khi cảm ơn một người anh sẽ tùy thuộc vào tính chất của sự việc, mối quan hệ mà chọn hình thức cảm ơn là: nhắn tin, gọi điện thoại, hay trực tiếp gặp mặt cảm ơn. Anh ưu tiên cho 2 hình thức sau, còn với nhắn tin cảm ơn thì anh không bao giờ sử dụng biểu tượng cảm xúc emoji. Anh cũng “phàn nàn” nhiều nghệ sĩ trẻ bây giờ ít khi nói lời cảm ơn sau khi nhờ vả người khác.Theo anh, nguyên nhân nhiều bạn trẻ ngày nay ít nói lời cảm ơn – xin lỗi là do giáo dục từ gia đình, nhà trường và do đời sống thị trường hiện nay khiến cho chuẩn mực ứng xử bị lung lay và tâm lý đám đông, chạy theo trào lưu sử dụng emoji. Theo anh, lời cảm ơn – xin lỗi là ý thức, là tự trọng của mỗi cá nhân, là chất xúc tác giúp người ta hạnh phúc hơn để hàn gắn mối quan hệ giữa người với người trong cuộc sống. Trương Thế Vinh cho rằng việc emoji phát triển nhiều tức là nó đang được nhiều người tiếp cận và đừng bàn cãi bởi nó là một phần của văn hóa thế giới, còn những người chưa kịp thích ứng với thời đại 4.0 thì không hiểu nó là gì. Đừng câu nệ câu chữ phải rõ ràng hay viết tắt, hay quy chụp chữ “cảm ơn” ở trường hợp này qua trường hợp khác, tùy thuộc vào hoàn cảnh, đối tượng và quan trọng là tất cả đều phải xuất phát từ sự cảm nhận của sự việc đó.
Nói về việc dạy con nói lời cảm ơn – xin lỗi, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chấp nhận việc dạy con từ vô thức trước. Có thể ở lứa tuổi còn nhỏ, con của anh chưa hiểu được vì sao phải nói lời cảm ơn, xin lỗi nhưng với anh thói quen sẽ hình thành nên hành vi, hành vi sẽ hình thành nên tính cách, tính cách sẽ hình thành ý thức. Theo anh, ngay chính bố mẹ cũng phải học nói cách cảm ơn và xin lỗi con mình. Và theo anh, khi con xin lỗi bố mẹ, người lớn thì nhất định phải đứng yên, khoanh tay để thể hiện sự nghiêm túc và tập trung.
Ca sĩ, diễn viên Trương Thế Vinh phản đối quan điểm này vì anh cho rằng nếu đó hành động mà đứa trẻ không nhận thức được thì không nên ép buộc vì có thể khiến cho con tưởng tượng sai. Nguyễn Văn Chung cho rằng chính vì đứa trẻ chưa hiểu được cái sai của mình, người lớn phải dạy cho con hiểu đó là hành động sai và phải xin lỗi như thế nào. Trương Thế Vinh đồng ý phải dạy con cái sai nhưng hành động khoanh tay là không nên vì không phải cứ khoanh tay mới là nghiêm túc. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết với những học trò nhỏ mà anh đang dạy, khi các bé làm sai, anh không ép buộc các bé phải khoanh tay nhưng với cậu con trai của mình, anh muốn bé phải khoanh tay vì bé rất hiếu động. Trương Thế Vinh cho rằng hành động khoanh tay không nói lên điều gì cả và tại sao người lớn không khoanh tay xin lỗi con trẻ mà lại đòi hỏi ngược lại, tại sao trẻ em nước ngoài không khoanh tay? Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết anh xin lỗi con mình, anh sẽ nhìn thẳng vào mặt con, hai tay vịn lên vai con và nói rõ: “Cha xin lỗi con”. Trương Thế Vinh cho rằng hành động bắt con khoanh tay không có gì là đúng cả. Nguyễn Văn Chung cho rằng hành động khoanh tay chỉ để cho con trẻ đứng yên và tập trung hơn, đặc biệt với đứa trẻ nhiều năng lượng như con trai của anh. Và nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung khẳng định đây là quan điểm dạy con của anh. Trương Thế Vinh lại cho rằng đây không phải là quan điểm dạy con mà có thể là nam nhạc sĩ chưa chắc hiểu một đứa trẻ dư năng lượng như thế nào. Trước câu nói của Trương Thế Vinh, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nổi giận cho rằng anh đồng ý cách dạy con của Trương Thế Vinh nhưng với con trai của anh, anh có cách giáo dục riêng và anh không cần nam ca sĩ dạy anh cách dạy con như thế nào vì anh mới là người ở bên cạnh con mình 6 năm qua. Nguyễn Văn Chung cho rằng anh đưa trường hợp con mình ra để làm một ví dụ trong phần nói về cách dạy con nói lời xin lỗi – cảm ơn chứ không phải là mẫu số chung cho tất cả.. Để xoa dịu cuộc khẩu chiến của 2 nam nghệ sĩ, Phương Hiếu cho rằng mỗi gia đình, mỗi ông bố bà mẹ có cách giáo dục con riêng để phù hợp với đứa trẻ của mình, điều quan trọng là sau những hành động khoanh tay hay không khoanh tay, con trẻ có hiểu được giá trị của lời cảm ơn, xin lỗi hay không.
Cũng là 1 bà mẹ có con nhỏ, Thanh Vân Hugo cho rằng lúc nhỏ cô cũng tự hỏi việc khoanh tay có ý nghĩa gì nhưng khi lớn lên và có con, cô cũng tiếp nối truyền thống và dạy con mình những gì mà cô được dạy. Dường như sợ những quan niệm của mình sẽ tiếp tục châm ngòi cho cuộc chiến của 2 nam nghệ sĩ nên Thanh Vân Hugo lái vấn đề trở về nội dung của tiết mục cải lương. Và cô đúc kết, xin lỗi hay cảm ơn là sợi dây nối thẳng những trái tim lại với nhau. Trong cuộc sống, cô cố gắng nói nhiều lời cảm ơn và hạn chế nói lời xin lỗi. Mỗi ngày, cô nói đến 50 lần cảm ơn, dù điều đó khiến cô bị cho rằng quá khách sáo hay thảo mai nhưng cô tự hào vì điều đó. Và cô dạy con mình mỗi ngày hãy viết ra 10 điều cảm thấy biết ơn trong cuộc sống. Với cô, biết ơn là vẻ đẹp sâu sắc của con người. Một người biết biết ơn, chắc chắn sẽ thành công! Một người vô ơn sẽ không làm được gì cả. Còn xin lỗi thì phải chân thành. Sau hành động xin lỗi không phải là khoanh tay mà phải sự sửa sai, không lặp lại hành động tổn thương người khác nữa.
Giám khảo Giáng My nhận xét: Xin lỗi – Cảm ơn là điều rất quan trọng trong cuộc sống và góp phần làm giảm đi bạo lực, bạo hành, tai nạn trên thế giới. Lời cảm ơn – xin lỗi thông minh là được đặt đúng trong từng trường hợp sẽ không trở nên giả tạo. Chị tâm đắc với cách dạy con của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung. Chị cho biết thưở nhỏ chị cũng từng bị phạt quỳ gối lên vỏ mít và cho rằng đó là cách dạy con cũ rồi. Chị cho biết cách mà bố mẹ dạy con sẽ phản chiếu hình ảnh con mình sau này. Trương Thế Vinh có cách dạy con rất mới và chị cũng thích cách này, tùy theo cách giáo dục của từng gia đình. Hãy để trẻ con phát triển tự nhiên nhưng trong một môi trường thật sạch. Và chị tâm đắc nhất đó là cả 2 đã nêu ra được việc nhiều bố mẹ làm sai nhưng vì tự tôn quá cao mà không xin lỗi con. Vân Hugo thì luôn có cách nhìn tích cực, ngọt ngào với cuộc sống, luôn luôn màu hồng….
Giám khảo Lê Thẩm Dương nhận xét: Xin lỗi – Cảm ơn là biểu tượng cao nhất của tính người. Hãy biến nó thành văn hóa: văn hóa công ty, văn hóa gia đình, văn hóa dân tộc. Ngược lại với Xin lỗi – Cảm ơn đó là Đổ lỗi và Vô ơn. Rất tiếc là 2 mệnh đề này ngày nay đang cân bằng với nhau – đó là tôi nói một cách lạc quan đấy. Các bạn nói đúng lắm. Nhưng ý thức xong thì phải hành động. Chân thành vẫn là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất, thứ hai là đúng mức độ, thứ ba là phải kết hợp với ngôn ngữ hoặc phi ngôn ngữ. Khoanh tay vĩ đại hơn lời nói, nhưng nếu kết hợp cả hai thì hiệu quả 100%. Do đó, nguyên tắc tối thiểu không cần khoanh tay cũng được nhưng phải ngồi hoặc đứng nghiêm túc, mắt nhìn thẳng, không được đùa cợt, ánh mắt phải chân thành…Hãy dạy người lớn xin lỗi – cảm ơn rồi hãy dạy trẻ con vì dạy trẻ con tuyệt vời nhất là dạy bằng hành vi. Khái niệm này anh Vinh phân tích rất tốt, chỗ anh Chung đưa ra rất nhiều luận điểm, bao sân được vấn đề, chị Vân nhận thức được vấn đề tuy nhiên cái gì đáng xin lỗi thì hãy xin lỗi, cái gì đáng cảm ơn thì hãy cảm ơn chứ không nên cảm ơn quá nhiều.
Với số điểm 34, rất tiếc MC Thanh Vân Hugo cũng đã phải chia tay chương trình trong sự tiếc nuối của nhiều khán giả. Như vậy, sau đêm thi thứ 8, sàn đấu ngôn từ của Quyền lực ghế nóng 2018 chỉ còn lại 4 nghệ sĩ là: nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, diễn viên/ca sĩ Trương Thế Vinh, siêu mẫu Phương Mai và kiều nữ làng hài Nam Thư.
Chương trình Quyền lực ghế nóng do Đài Truyền hình Việt Nam và công ty Truyền thông Khang phối hợp thực hiện. Chương trình phát sóng định kỳ vào lúc 20h45 thứ Tư hàng tuần trên VTV3. Giám khảo xuyên suốt của chương trình là “tiến sĩ triệu view” Lê Thẩm Dương và host là MC Phương Hiếu.