logo
Thứ hai, 30/06/2025 18:07:57

Câu Chuyện Cuộc Sống: Đồng hành khi trẻ dùng mạng xã hội


(Dispatch.vn) - Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Đồng hành khi trẻ dùng mạng xã hội; Đừng để chuyện bé xé ra to; Dung hòa trong cách giáo dục con.

Đồng hành khi trẻ dùng mạng xã hội

Thời đại số phát triển nhanh chóng, mạng xã hội trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống chúng ta, đặc biệt là đối với các em nhỏ – thế hệ tương lai của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, mạng xã hội vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu không sử dụng đúng cách.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Giàu (chuyên gia tâm lý) chia sẻ: “Hiện nay có quá nhiều trào lưu xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội. Điều này dễ hiểu, bởi chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ và thời đại của những người làm sáng tạo nội dung. Chỉ cần có ý tưởng và mong muốn chia sẻ, họ hoàn toàn có thể đăng tải lên mạng xã hội. Một trend hay trào lưu mạng là điều rất đỗi bình thường. Tuy nhiên, tôi mong rằng những nhà sáng tạo nội dung, khi tạo ra một xu hướng, hãy cân nhắc đến tác động tâm lý mà xu hướng đó có thể gây ra cho người tiếp nhận—đặc biệt là giới trẻ hay những em nhỏ còn rất non nớt về nhận thức”.

Chị Nguyễn Mỹ Linh (TP.HCM) chia sẻ: “Cấm con dùng mạng xã hội không dễ, nên tôi chọn cách giáo dục con biết chọn lọc nội dung từ sớm, đồng thời khuyến khích tham gia các hoạt động ngoài trời để giảm thời gian sử dụng thiết bị”.

Tiến sĩ Bùi Hồng Quân (chuyên gia tâm lý) chia sẻ: “Ở mỗi giai đoạn phát triển, việc đồng hành cùng con cần có những cách tiếp cận phù hợp. Khi con còn nhỏ, sự đồng hành thể hiện qua việc chăm sóc dinh dưỡng, ăn uống hằng ngày. Nhưng khi con trưởng thành hơn, vai trò của cha mẹ là trang bị cho con các kỹ năng cần thiết — đặc biệt trong môi trường không gian mạng, Internet. Cha mẹ cần hướng dẫn con biết cách chọn lọc, sử dụng các phương tiện truyền thông và tiếp cận những nội dung phù hợp. Nếu buông lỏng, thiếu quan tâm đến hành vi của con trên mạng xã hội, trẻ rất dễ bị tiếp cận với những thông tin sai lệch, tiêu cực. Về lâu dài, điều này có thể ảnh hưởng không nhỏ đến sự hình thành nhân cách, đặc biệt khi con thiếu đi sự đồng hành đúng mực từ cha mẹ”.

 

Nhiều trường học và tổ chức xã hội đang tiên phong xây dựng các chương trình giáo dục kỹ năng sống thiết thực, giúp trẻ nhận diện nội dung độc hại, biết nói “không” trước nguy cơ và chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần. Song song đó, một không gian trò chuyện cởi mở, thấu hiểu trong gia đình chính là lá chắn vững chắc nhất. Khi gia đình trở thành điểm tựa tin cậy, trẻ sẽ đủ tự tin và kiến thức để bước vào thế giới mạng một cách an toàn.

Clip Đồng hành khi trẻ dùng mạng xã hội: 

Đừng để chuyện bé xé ra to

 

Trong cuộc sống, đôi khi những điều nhỏ nhặt lại vô tình khiến các mối quan hệ quý giá rạn nứt. Có những mâu thuẫn tưởng chừng rất nhỏ, nhưng lại bị đẩy thành tranh cãi lớn, gây tổn thương không đáng có. Đó là lúc chúng ta rơi vào lối suy nghĩ tiêu cực, quen thói chuyện bé xé ra to.

Chị P.Y.N (TP.HCM) chia sẻ: “Có lần, tôi đi ăn cùng nhóm bạn cũ và đăng hình lên mạng xã hội như thường lệ. Hôm sau, một người bạn thân học cùng lớp bất ngờ nhắn tin trách móc: “Đi chơi mà không rủ, ngh làm bạn cho xong”. Từ đó, chúng tôi không còn chơi với nhau, dù thực chất buổi gặp gỡ kia hoàn toàn không có gì nghiêm trọng”.

Chị N.Y.N (TP.HCM) chia sẻ: “Tôi từng giận bạn vì một chuyện rất nhỏ. Sau khi suy nghĩ lại, tôi mới nhận ra chúng tôi nên trò chuyện rõ ràng ngay từ đầu”.

Chuyên gia Tâm lý Hoàng Thị Ngọc Duyên – Trung tâm Tâm lý và Phát triển con người NHC Việt Nam – chia sẻ: “Đôi khi, những sự việc rất nhỏ nhưng nếu liên tục bị phóng đại sẽ hình thành thói quen tiêu cực. Khi đó, bất kỳ vấn đề nào cũng bị nhìn nhận như một chuyện lớn, làm giảm khả năng giải quyết vấn đề của cá nhân. Về lâu dài, điều này có thể dẫn đến rối loạn lo âu — một tình trạng ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của cuộc sống như sức khỏe, công việc, tài chính và các mối quan hệ. Nếu không kịp thời nhận diện và xử lý, người xung quanh sẽ cảm thấy mệt mỏi khi phải tiếp xúc với một người có thói quen chuyện bé xé ra to”.

 

Cuộc sống không thiếu mâu thuẫn, nhưng mỗi mâu thuẫn có thể trở thành cơ hội để thấu hiểu nhau hơn — nếu ta không chọn chuyện bé xé ra to. Người trưởng thành không phải là người luôn đúng, mà là người biết khiến những chuyện nhỏ trở nên nhẹ nhàng. Biết phân biệt điều gì đáng nói, điều gì nên bỏ qua là kỹ năng quan trọng. Đôi khi, một lời giải thích chân thành hay một cái gật đầu tha thứ có thể giúp ta giữ được nhiều hơn là mất.

Clip Đừng để chuyện bé xé ra to:

Dung hòa trong cách giáo dục con

Mỗi đứa trẻ lớn lên trong tình yêu thương của gia đình, nhưng cách yêu thương và nuôi dạy không phải lúc nào cũng giống nhau giữa các thành viên. Không ít bậc cha mẹ từng rơi vào cảnh mỗi người một cách thậm chí mâu thuẫn với cả ông bà trong cách dạy con.

Anh N.T.A (quận 6, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi và vợ hay bất đồng về quan điểm dạy con. Tôi thường lên mạng xem các clip dạy con kiểu hiện đại. Bản thân tôi đơn giản, chỉ cần con vui vẻ, thoải mái và lớn lên là đủ”.

Chị N.T.L (quận 7, TP.HCM) chia sẻ: “Chồng tôi rất chiều con, nhưng vì con còn bé nên chưa biết đúng sai. Phải dạy con ngay từ nhỏ rằng phải biết giới hạn và tiết kiệm thì khi lớn lên con mới không hư”.

Thạc sĩ Trần Hương Thảo (chuyên gia tâm lý) chia sẻ: “Đôi khi có những trường hợp vợ chồng xảy ra bất đồng trước mặt con trẻ về phương pháp giáo dục. Đây là điều chúng ta tuyệt đối nên tránh, vì khi chúng ta tranh cãi trước mặt con trẻ, chúng hiểu được rằng bản thân cha mẹ cũng không thống nhất về phương pháp dạy hay mục tiêu. Chính sự mâu thuẫn ấy làm cho đứa trẻ không biết nên tin vào điều gì”.

Chuyện gia Tâm lý lâm sàng Đặng Khánh An – Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM – chia sẻ: “Dạy con là một tiến trình cần có kế hoạch từ cha mẹ. Bên cạnh các yếu tố thuộc về quan điểm cá nhân, văn hóa gia đình, cha mẹ vẫn cần theo dõi chương trình giáo dục ở trường học đang điều chỉnh theo quan điểm như thế nào. Từ đó, cha mẹ sẽ tìm hiểu và phối hợp cùng quan điểm giáo dục ở trường để tạo nên sự đồng nhất. Bởi vì hệ thống giáo dục chung sẽ đi theo những thay đổi lớn của xã hội, nên đôi khi trong việc giáo dục ở gia đình, cha mẹ cần hiểu sự thay đổi này để có những điều tiết phù hợp trong tiến trình giáo dục con”.

Ông bà hay cha mẹ, ai cũng muốn điều tốt đẹp nhất cho con cháu theo cách mỗi người nghĩ là đúng. Thế nhưng, nếu ai cũng giữ quan điểm cá nhân và không lắng nghe con trẻ thì vô tình yêu thương lại trở thành áp lực. Thay vì quá căng thẳng hay trầm trọng hóa sự khác biệt thì quan trọng hơn hết là tìm tiếng nói chung, đặt nhu cầu và cảm xúc thật sự của trẻ ở vị trí trung tâm. Dạy con không chỉ là hướng dẫn mà còn là đồng hành để con lớn lên trong sự yêu thương và thấu hiểu.

Clip Dung hoà trong cách giáo dục con: 

Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu Chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,…

Bên cạnh đó, Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Đồng thời, chương trình còn tạo nên kênh thông tin phản biện, định hướng dư luận xã hội, mang đến những kỳ vọng về sự tốt đẹp, an lành và hướng thiện.

Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Báo và Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Vĩnh Long phối hợp Jet Studio thực hiện.


Từ Khóa:

Tin Liên Quan