Con chơi với bạn xấu cha mẹ cần làm gì?
Tình bạn thời thơ ấu là nền tảng giúp trẻ phát triển mối quan hệ tốt đẹp với cá nhân trong tương lai. Hầu hết các tình bạn ở trẻ theo từng độ tuổi đều rất trong sáng và đẹp đẽ. Tuy nhiên vẫn có không ít bạn xấu ở xung quanh ảnh hưởng không tốt đến thói quen cũng như hành vi, sức khỏe tinh thần của trẻ.
Những tác động tiêu cực của một tình bạn không tốt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình học tập cũng như tính cách và đời sống tương lai của các em. Do đó cha mẹ có vai trò rất lớn trong việc nhìn nhận, ứng xử và chia sẻ cho con hiểu thế nào là tình bạn tốt. Và dạy cho con mình cách chọn bạn tốt mà chơi là điều vô cùng quan trọng.
Thạc sĩ Lê Thị Minh Hoa – Chuyên gia Tâm lý cho biết, trẻ em thường có tâm lý sợ bị cô lập khi đi học, trẻ thường tìm và lệ thuộc vào bạn bè. Cha mẹ là người chia sẻ và hướng dẫn cho con nên chơi cùng bạn như thế nào, hỗ trợ nhau trong học tập, đem lại năng lượng tích cực cho nhau. “Khi con trẻ lỡ giao lưu cùng những nhóm bạn tiêu cực, cha mẹ có thể hướng cho con bằng cách cho con tham gia vào các câu lạc bộ năng khiếu hỗ trợ tích cực trong học tập, dần dần con trẻ sẽ dễ dàng thoát ra khỏi mối quan hệ tiêu cực. Cha mẹ nên dành nhiều thời gian hơn để trò chuyện với con hàng ngày, lắng nghe con nhiều hơn, cùng con chia sẻ về những chuyện con quan tâm”, chuyên gia chia sẻ thêm.
Clip Con chơi với bạn xấu cha mẹ cần làm gì?
Có nên bắt đầu khi đã muộn?
Khi bắt đầu một công việc mới, một mối quan hệ mới cho đến việc học tập, hay chuyển đổi sự nghiệp, nhiều người luôn cảm thấy lo lắng và bất an, họ sợ thất bại, sợ bị đánh giá và hơn hết họ luôn có một nỗi sợ: liệu mình làm điều này bây giờ có quá muộn hay không. Trong môi trường nhiều sự cạnh tranh, nỗi lo ngại khi không đạt được kết quả ngay lập tức cũng là một yếu chính khiến nhiều người lo sợ bắt đầu vì cho rằng đã muộn. Tâm lý của họ thường cảm thấy sự thiếu an toàn và không chắc chắn về khả năng của bản thân dẫn đến sự ngần ngại và trì hoãn. Thực tế khi bắt đầu một điều gì đó mới, sẽ có nhiều khó khăn. Nhưng khi đã xác định được mục tiêu đích đến và lý do đủ quan trọng để chúng ta bắt đầu, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn.
Để thay đổi cuộc sống của bản thân, hãy bắt đầu từ những thay đổi nhỏ nếu có thể. Từ thành công nhỏ đó ta sẽ tự tin hơn và có thể làm nhiều thứ lớn hơn nữa. Quá trình này chính là sự khởi đầu thay đổi cuộc sống của chúng ta. “Một hành trình vạn dặm đều phải bắt đầu từ những bước đi đầu tiên. Thứ nhất là phải kiên định, kiên định với mục tiêu của mình. Thứ hai là phải duy trì nó ở mức ổn định, thứ 3 quản lý được sự kỳ vọng của bản thân. Thứ 4 chúng ta phải hiểu điều chúng ta đang thực hiện sẽ đem lại giá trị và lợi ích gì cho bản thân mình, không nghe và chịu tác động của những người xung quanh”, thạc sĩ Nguyễn Trần Trung Hải – Chuyên gia Xã hội học cho biết.
Clip Có nên bắt đầu khi đã muộn?
Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu Chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,… Bên cạnh đó, Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Đồng thời, chương trình còn tạo nên kênh thông tin phản biện, định hướng dư luận xã hội, mang đến những kỳ vọng về sự tốt đẹp, an lành và hướng thiện.
Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.