logo
Thứ tư, 08/05/2024 19:59:03

Câu Chuyện Cuộc Sống: Trách nhiệm với lời xin lỗi


(Dispatch.vn) - Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Trách nhiệm với lời xin lỗi, giá trị của thành thật và cha mẹ làm gì khi con trẻ bất hòa.

Trách nhiệm với lời xin lỗi

Để duy trì mối quan hệ và giao tiếp hiệu quả, lời xin lỗi đóng vai trò vô cùng quan trọng. Việc nhận sai lầm và thể hiện sự thành tâm khi xin lỗi không chỉ giúp khắc phục những hậu quả đã gây, ra mà còn thể hiện sự tôn trọng và quan tâm đến cảm xúc của người khác. Lời xin lỗi là cần thiết, tuy nhiên không ít người lại dùng lời xin lỗi như một thói quen, mà sau đó lại không có một hành động khắc phục hậu quả cụ thể nào.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Vân – Chuyên gia Tâm lý cho biết, khi lời xin lỗi trở thành câu cửa miệng, chúng ta chỉ nói lời xin lỗi nhưng không có bất kì biện pháp khắc phục hậu quả hay hành vi sai phạm của mình, lâu ngày điều này làm cho chúng ta mất đi sự tôn trọng từ mọi người xung quanh, đồng thời làm mất đi giá trị của chính bản thân. “Người biết nhìn nhận khuyết điểm, lỗi sai của bản thân và đưa ra lời xin lỗi chân thành khi có những sai phạm trong cuộc sống giúp cho mối quan hệ của họ và những người xung quanh ngày thêm gắn kết và bền chặt hơn. Bên cạnh việc đưa ra những lời xin lỗi, chúng ta cần cố gắng thay đổi, điều chỉnh lời nói của bản thân để lần sau không còn phạm vào những sai phạm cũ”, chuyên gia cho biết.


Clip Trách nhiệm với lời xin lỗi:

Giá trị của thành thật

Một cuộc sống tốt đẹp được xây dựng trên nền tảng của tình yêu thương và sự chân thành. Thiếu thành thật khiến cho các mối quan hệ xung quanh trở nên kém gắn bó, dè chừng nhau. Khi chúng ta thẳng thắn chia sẻ giãi bày cùng nhau sẽ không dẫn đến những hiểu lầm, hiềm khích trong các mối quan hệ. Chân thành sẽ luôn giúp chúng ta có sự thanh thản trong tâm hồn, được người khác yêu quý mến mộ. Sự thật luôn có sức thuyết phục, tin cậy và ngày càng vững vàng hơn. Khi có sự tin cậy, tín nhiệm từ mọi người xung quanh, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để vươn lên kể cả khi đã vấp ngã.

Thạc sĩ Trần Hải Nguyên – Chuyên gia Tâm lý cho biết, người có sự chân thành khi đối diện với mọi người xung quanh họ luôn xác định phân biệt đúng hay sai cho cách ứng xử của mình. “Họ luôn biết cách thể hiện sự chân thành một cách nhẹ nhàng, hòa nhã để làm sao biểu thị sự trân trọng của mình đối với các mối quan hệ và các việc đang làm. Chúng ta không thể làm hài lòng tất cả mọi người, nhưng khi có tri thức chúng ta sẽ dễ dàng có góc nhìn khác nhau về mọi người, từ đó thấu hiểu hơn về họ. Chúng ta tiếp cận làm sao phù hợp và hài hòa trong mối quan hệ, từ đó chúng ta biết được sự chân thành đã dành cho họ sẽ nhận lại sự đồng cảm và giá trị tích cực”.


Clip Giá trị của thành thật:

Cha mẹ làm gì khi con trẻ bất hòa

Chúng ta luôn dạy con trẻ người thân cần phải yêu thương, nhường nhịn nhau. Cha mẹ hiện nay phải bận rộn với công việc mà chưa có được những buổi trò chuyện, hay tâm sự cùng con về những vấn đề đó. Và khi mâu thuẫn giữa các con xảy ra, cha mẹ đa phần vì tâm lý nóng giận chỉ muốn xử lý cho nhanh chứ chưa thật sự bình tĩnh đề tìm hiểu nguyên nhân. Ngoài ra việc áp đặt suy nghĩ con lớn phải nhường em dễ khiến trẻ cảm thấy mình không được xem trọng, không được yêu thương là nguồn cơn tạo nên tâm lý ghét nhau giữa các con.

Thạc sĩ Lê Thị Minh Hoa – Chuyên gia Tâm lý cho biết: “Cha mẹ nên đặt ra những quy ước trong gia đình ngay từ khi con còn bé. Khi có những bất hòa hay không đồng tình với ý kiến của cha mẹ, con trẻ có thể được thổ lộ cho cha mẹ để nhận được sự giúp đỡ và hòa giải. Nhắc con nhớ rõ quy ước, tuyệt đối không có các hành vi bạo lực đối với anh chị em trong gia đình. Đồng thời cha mẹ nên thường xuyên trò chuyện cùng con, lắng nghe con, chúng ta sẽ hiểu và biết được mâu thuẫn bắt đầu từ đâu. Chúng ta không nên áp đặt cách giáo dục con như bao đứa trẻ khác, mỗi em sẽ có một tính cách riêng biệt cần có sự tìm hiểu và chia sẻ để hiểu rõ con trẻ hơn”.

Dù là con cái trong một nhà nhưng mỗi đứa trẻ với mỗi tính cách khác nhau, khi con càng lớn sẽ có nhiều mối quan hệ bên ngoài, vì thế nếu không có sự gắn kết các con dễ xa cách nhau. Để phát triển mối quan hệ sâu sắc giữa các con, cha mẹ cần thường xuyên tổ chức những hoạt động chung: cho các con cùng nhau làm việc nhà, nấu ăn, đi chơi, đi dã ngoại. Việc dành thời gian vui vẻ bên nhau là cách tốt nhất để giải quyết những mâu thuẫn giữa các con, đồng thời tạo nên những giây phút kết nối, giúp con trẻ hiểu hơn về những giá trị của tình thân và gia đình.


Clip Cha mẹ làm gì khi con trẻ bất hòa:

 

Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu Chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,… Bên cạnh đó, Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Đồng thời, chương trình còn tạo nên kênh thông tin phản biện, định hướng dư luận xã hội, mang đến những kỳ vọng về sự tốt đẹp, an lành và hướng thiện. 

Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.


Từ Khóa:

Tin Liên Quan