Trước khi được công chiếu, dàn diễn viên khủng, cảnh nóng và những câu chuyện bên lề tại Liên hoan phim Venice là tất cả những gì người ta quan tâm ở Don’t Worry Darling (tựa Việt: Em yêu, đừng sợ). Thế nhưng, khi chính thức ra rạp, tựa phim này thành công chinh phục khán giả đại chúng nhờ nội dung đầy bất ngờ, bên cạnh một dàn diễn viên với thực lực đã được kiểm chứng.
“Em yêu, đừng sợ” quy tụ dàn sao Florence Pugh, Harry Styles, Olivia Wilde, Gemma Chan và Chris Pine, đều là những cái tên quen mặt với khán giả. Phim do đích thân Wilde cầm trịch, và đây cũng là tác phẩm thứ hai của cô trong vai trò đạo diễn. Phim xoay quanh cặp vợ chồng trẻ Alice (Pugh thủ vai) và Jack (Styles thủ vai) tại Victory – một cộng đồng đặc biệt dành cho gia đình của các nhân viên thuộc Victory Project do ông chủ Frank (Pine thủ vai) đứng đầu. Với các chuẩn mực sống hoàn hảo, nơi đây được ví như một “chốn thiên đường” đích thực. Thế nhưng, khi Alice nhận ra những điều kỳ lạ đằng sau sự hào nhoáng này, cũng là lúc rạn nứt trong cuộc sống hôn nhân của cô xuất hiện. Alice và Jack bị nhấn chìm trong nghi hoặc, tranh cãi, xô xát cùng những bí mật kinh hoàng.
Tựa đề “Em yêu, đừng sợ” cùng cặp đôi chính “trai xinh gái đẹp” khiến nhiều người cho rằng đây là một tựa phim lãng mạn không hơn. Tuy nhiên, “Em yêu, đừng sợ” thực chất lại là một tác phẩm thuộc thể loại bí ẩn – giật gân, được lồng ghép cùng một số yếu tố lãng mạn và nghệ thuật, đặt trong bối cảnh những năm 1950 phồn hoa mà cũng đầy biến động của nước Mỹ. Phim phần nào khiến khán giả nhớ đến những tựa phim cùng thể loại như Gone Girl hay Girl on the Train năm nào, đặc biệt ở khía cạnh lừa dối, xung đột và mối quan hệ vợ chồng độc hại của cặp đôi chính.
Cách thiết lập bầu không khí độc đáo, mới lạ
“Em yêu, đừng sợ” được xây dựng với ý tưởng chủ đạo: “Bạn có sẵn sàng sống cuộc sống mình xứng đáng?”. Xuyên suốt bộ phim là sự đấu tranh của nhân vật nữ chính, với khao khát tìm ra sự thật, và những người còn lại trong cộng đồng Victory – những kẻ sẵn sàng ngăn cô phá nát sự hoàn hảo họ đang tận hưởng.
Sống tại Victory Project, các cư dân được chu cấp đầy đủ mọi thứ họ cần thiết. Thịt, cá, trứng họ ăn mỗi ngày đều là sản phẩm của Victory. Những cơ sở làm đẹp, mua sắm, vui chơi xa hoa đều gắn mác Victory. Và họ có một tuyến xe bus chạy quanh khu vực này mỗi ngày – một chiếc xe được thiết kế chẳng khác nào xe điện trong các khu du lịch, nơi các bà vợ có thể ngồi trên đó vãn cảnh, tham quan và tán gẫu. Họ không cần lo lắng đến bất cứ sự thiếu thốn nào về vật chất, được chu cấp đến tận chân răng.
Thế nhưng, sự hoàn hảo của Victory Project không chỉ nằm ở mặt vật chất. Tại đây, các cư dân của họ đạt đến trạng thái thoải mái nhất về tinh thần, sống một cuộc đời vô tư, tự tại, không âu lo. Các ông chồng là “cần câu cơm” của cả gia đình, nhưng tuyệt đối không nhận ra bất cứ áp lực công việc nào từ họ. Các bà vợ yêu thích việc trở thành nội trợ – như một bản năng. Alice yêu việc ở nhà nấu nướng, giặt giũ đợi chồng về. Mùi hương từ chiếc áo sơ mi mới giặt thơm tho của chồng khiến cô thoải mái. Bunny yêu thích việc làm mẹ của hai đứa trẻ, trong khi Peg luôn xuất hiện với dáng vẻ “đang mang bầu” – số con của hai vợ chồng cô đã hơn một bàn tay. Và khi những ông chồng trở về nhà, họ quăng công việc ra sau đầu, đắm chìm trong cuộc sống hôn nhân ngọt ngào.
Cách xây dựng bối cảnh Victory Project hoàn hảo đến khó tin giúp đội ngũ thiết kế sản xuất đạt được dụng ý của mình. Khán giả, cũng giống như Alice, không hề yên tâm với sự hoàn mỹ này. Cuộc sống càng hoàn hảo bao nhiêu, họ sẽ càng chú ý đến những tiểu tiết kỳ lạ, và rồi đắm chìm trong hoài nghi, sợ hãi.
Shane Van Dyke, một trong số các thiết kế sản xuất của phim chia sẻ: “Concept này được chúng tôi sáng tạo sau khi xem rất nhiều quảng cáo từ những năm 1950. Một phần lớn trong số đó cố gắng tạo ra khung cảnh “hoàn hảo”, với những cô vợ phải phục tùng các ông chồng luôn-mỉm-cười của mình. Khi so sánh thế giới thật sự với khung cảnh đó, chúng tôi đột ngột nhận ra điều đó thật đáng sợ biết mấy, nhất là với một người phụ nữ. Và chúng tôi biết rằng, mình có thể khám phá khía cạnh đó thông qua lăng kính của một bộ phim tâm lý giật gân.”
Xuyên suốt “Em yêu, đừng sợ”, khán giả cùng với Alice liên tục phải đoán xem điều gì đang thực sự xảy ra. Những gợi ý vụn vặt được cài cắm suốt bộ phim dễ dàng đánh lạc hướng phán đoán của mọi người. Để rồi khi bí mật được lật mở, khán giả, cùng với nữ chính Alice, bàng hoàng khi tất cả đều trái ngược với những gì mình dự đoán. Đây cũng chính là điểm thành công của đạo diễn Olivia Wilde, khi cô khiến khán giả như chìm đắm trong mạch cảm xúc và diễn biến tâm lý của nhân vật nữ chính Alice.
Bức thư tình dành cho những cô gái mạnh mẽ
Bên cạnh nút thắt về sự thật đằng sau dự án Victory, một mâu thuẫn khác tiếp tục được đặt ra: Liệu Alice sẽ đi xa đến đâu để làm điều đúng đắn nhất? Cô có sẵn sàng đánh đổi cuộc sống hoàn hảo này không? Với ông chồng Jack và rất nhiều thành viên Victory khác, câu trả lời chắc chắn là “không”. Nhưng Alice, cô chính là biểu tượng của sự độc lập, tự tin và khao khát làm chủ cuộc sống của mình.
Đạo diễn Olivia Wilde chia sẻ: “Chúng tôi làm phim với chủ đề chính là “dũng khí thực sự”, rằng như thế nào mới là một người có suy nghĩ độc lập, tìm ra những khiếm khuyết trong một hệ thống đang phục vụ cuộc sống của mình.” Và để thực hiện được ý định đó, Wilde đặt một nhân vật nữ vào trung tâm câu chuyện – một cô gái can đảm, mạnh mẽ, phức tạp. Ngày thường, nàng tự do và phóng khoáng. Khi ở bên chồng, nàng đảm đang, ngọt ngào, quyến rũ. Nhưng khi xác định được lý tưởng, nàng mạnh mẽ và sẵn sàng làm tất cả để giành lại những gì thực sự thuộc về mình.
Lấy trung tâm là nữ chính, phim khắc họa diễn biến tâm lý theo cách rất “nữ giới”, thấu hiểu những gì phụ nữ mong muốn. Phim không đặt ra một hình mẫu nữ chính điển hình nào, trái lại, ta thấy Alice xuất hiện một cách đa sắc thái. Lý tưởng của cô không phải là làm việc lớn, hay làm nội trợ, hay bất cứ điều khác. Lý tưởng duy nhất của Alice là được làm chủ cuộc đời mình. Cô có thể làm nội trợ vì cô muốn thế, chứ không phải vì cô được lập trình vai trò như vậy.
Mô tả về Alice, đạo diễn Wilde cho biết: “Cô là người thông minh, tràn đầy tình cảm và sự ấm áp, đến mức khán giả không thể không đồng cảm với cô. Cô là người mà khán giả sẵn lòng ủng hộ, ngay từ giây phút đầu tiên. Ta gặp cô vào thời điểm cô hạnh phúc nhất cuộc đời, và rồi trở nên nghi ngờ những thứ xung quanh. Đến lúc đó, ta nhận ra cô có thể trở nên dũng cảm và thậm chí là liều lĩnh như thế nào.”
Màn thể hiện tuyệt vời của Florence Pugh và dàn cast toàn sao
Để thể hiện một câu chuyện giật gân, hồi hộp và tràn ngập những phân cảnh gây sốc, dàn diễn viên chính đã có màn thể hiện tuyệt vời, mà ở trung tâm là sự tỏa sáng của nữ chính Florence Pugh.
Hóa thân vào Alice thành công như vậy, Pugh thể hiện nét tinh tế trong diễn xuất và sự thấu hiểu mà cô dành cho nhân vật. Vào những ngày còn hạnh phúc, ở Alice luôn toát ra sự thư thái, nhẹ nhàng, từ cách cô đi đứng, di chuyển và thậm chí là nhảy múa khi làm việc nhà. Tuy nhiên, khi diễn biến tâm lý của Alice thay đổi, Pugh thể hiện trọn vẹn các sắc thái cảm xúc của nhân vật mình đảm nhận, từ lo lắng, sợ hãi cho đến tức giận và mạnh mẽ.
Nhân vật Alice của Pugh phải chứng kiến nhiều cú sốc trong phim, với những biểu cảm thậm chí là “điên rồ”. Pugh, với kinh nghiệm từng hóa thân vào những nhân vật nặng đô như trong Midsommar, đã chứng tỏ tại sao cô vinh dự nhận đề cử cho giải diễn xuất tại Oscar khi mới 23 tuổi, và được coi là một trong những cái tên tiềm năng nhất Hollywood hiện tại.
Bên cạnh một Florence Pugh quá xuất sắc, không thể không nhắc tới chàng ca sĩ đá chéo sân Harry Styles. Anh từng có kinh nghiệm diễn xuất trong những tựa phim bom tấn của Hollywood như Dunkirk hay Eternals. Nếu đặt bên cạnh những cái tên quá xuất sắc như Florence Pugh hay Chris Pine, Harry Styles có phần lép vế. Tuy nhiên, màn thể hiện của anh trong vai ông chồng quyến rũ Jack được coi là khá tròn vai. Tương tác của anh và bạn diễn Florence Pugh cũng ở mức ổn, nhất là khi hai người có rất nhiều cảnh phim chung.
Những cái tên dạn dày kinh nghiệm như Chris Pine, Olivia Wilde hay Gemma Chan cũng đã có màn thể hiện tròn trịa trong “Em yêu, đừng sợ”. Có thể nói, dàn diễn viên đã góp công lớn giúp ý tưởng có phần khá phức tạp của Olivia Wilde trở nên gần gũi, dễ tiếp cận hơn với khán giả.
Tổng quan, “Em yêu, đừng sợ” là một tựa phim khá bất ngờ của tháng 10, khi các bom tấn hành động – kinh dị đang chiếm ưu thế tại phòng vé. Tuy không có phương diện nào nổi bật hoàn toàn, phim lại là sự tổng hòa dễ chịu của nhiều yếu tố, từ cốt truyện gay cấn, cú twist bất ngờ, những cảnh nóng táo bạo và sự xuất sắc của dàn diễn viên. Chính điều này giúp “Em yêu, đừng sợ” thành công chinh phục khán giả đại chúng khi ra rạp với số điểm khán giả cao trên trang đánh giá Rotten Tomatoes, bất chấp những yếu tố trái chiều từ giới phê bình.
DON’T WORRY DARLING – tựa Việt: EM YÊU, ĐỪNG SỢ – khởi chiếu 07.10.2022.