Vài ngày qua, mâu thuẫn giữa ê-kíp và fan Đông Nhi trở thành tâm điểm khi làn sóng ra đi của người hâm mộ, đặc biệt là những bạn trẻ trung thành với Đông Nhi suốt hơn 10 năm sự nghiệp, ngày càng nhiều.
Sự việc lần này một lần nữa tái khẳng định quyền lực của người hâm mộ với một nghệ sĩ.
Fan là nguồn thu nhập
Cộng đồng người hâm mộ (fandom) đóng vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp của bất kỳ nghệ sĩ, thần tượng nào. Nói cách khác, một ngôi sao có thể “vụt sáng” được hay không phụ thuộc rất nhiều vào khả năng thu hút fan của họ.
Khi nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của người hâm mộ, những ngôi sao âm nhạc mới có thể mơ đến chuyện nhận doanh thu từ việc bán album, tổ chức tour lưu diễn và ký kết hợp đồng quảng cáo với các thương hiệu.
Các chuyên gia cho biết “nền kinh tế người hâm mộ” là yếu tố mà các công ty không thể ngó lơ hay bỏ qua, theo Sixth Tone.
Thói quen chi tiêu của người tiêu dùng ngày càng bị ảnh hưởng bởi quan điểm, phát ngôn từ thần tượng. Mặt khác, việc một ngôi sao vướng vào bê bối đời tư có thể gây tác động tiêu cực, thậm chí sụp đổ nhãn hàng.
Do đó, các thương hiệu có lượng người tiêu dùng lớn ngày càng thận trọng hơn trong việc chọn lựa nghệ sĩ, thần tượng đại diện cho nhãn hàng để tránh rủi ro kinh doanh về sau.
Theo tạp chí Billboard, những người hâm mộ không chỉ ảnh hưởng tới ngày phát hành sản phẩm, quảng bá các chuyến lưu diễn của thần tượng, mà còn giúp tạo ra doanh thu thông qua các hoạt động trả phí liên quan.
Shin Cho, người đứng đầu mảng Kpop của Warner Music Asia, gọi hiện tượng này là “công nghiệp-fan” (fandustry).
Suốt thập kỷ qua, Hàn Quốc chứng kiến lượng album khổng lồ được bán ra trong bối cảnh các fandom khao khát đem về danh hiệu “bán triệu bản” cho thần tượng của mình. Năm 2021, tổng doanh số bán album Kpop lần đầu tiên vượt qua con số 50 triệu bản sau nhiều năm tăng đều.
Vài năm trở lại đây, các công ty giải trí xứ kim chi tiếp tục cho ra mắt một số nền tảng mở, nơi người hâm mộ có thể trao đổi tin nhắn với các nghệ sĩ dưới dạng trò chuyện trực tiếp, đồng thời mua sản phẩm liên quan đến idol từ các kênh thương mại.
Bất chấp mức giá đắt đỏ dù chất lượng không có gì khác biệt so với sản phẩm khác, năm 2020, tổng quy mô của thị trường vật phẩm Kpop đã đạt 1.000 tỷ won (khoảng 841 triệu USD), theo dữ liệu do Quỹ giao lưu văn hóa quốc tế Hàn Quốc (KOFICE) công bố.
Nhà phê bình âm nhạc Jung Min Jae nhận định rằng người hâm mộ, đặc biệt là fan Kpop, có xu hướng chi rất nhiều tiền mua sắm và coi đó như hình thức ủng hộ ngôi sao họ yêu thích.
Trung Quốc cũng có văn hóa thần tượng tương đồng, đặc biệt ở hình thức “lao động dữ liệu” – tức ủng hộ thần tượng thông qua các chiến dịch cụ thể bằng tiền. Một số fan thậm chí đặt mua số lượng lớn album, nhưng yêu cầu nhà phân phối không cần giao sản phẩm.
Các bảng xếp hạng, bao gồm danh sách ngôi sao quyền lực của Weibo, không để đo lường thành tích của nghệ sĩ, mà để chuyển đổi “sức lao động” của người hâm mộ, như lượt bình chọn, spam bài đăng, bình luận…, thành loại tương tác với các nhà sản xuất.
Đối với những ngôi sao phương Tây, nguồn sinh lợi chủ yếu của họ đến từ các chuyến lưu diễn, bán vật phẩm liên quan đến tên tuổi hoặc cấp bản quyền cho các kênh như phim ảnh, truyền hình và game phát âm nhạc của họ. Song, những điều này chỉ có thể xảy ra khi họ có lượng fan lớn, trung thành.
Năm 2021, Harry Styles thu về hơn 22,6 triệu USD tiền bán vật phẩm chính thức liên quan đến mình, bao gồm quần áo và phụ kiện, theo SCMP. Xếp sau là Lady Gaga với 15,6 triệu USD. Một trong số những mặt hàng được bán chạy nhất của nữ ca sĩ là bánh xà phòng in lời bài hát.
Mặt khác, năm 2018, 47 đêm diễn tour Reputation Stadium của Taylor Swift thu hút hơn 2 triệu khán giả, giúp cô trở thành nữ ca sĩ đạt doanh thu tour cao nhất trong 10 năm qua với 310,8 triệu USD.
Mất fan, mất tất cả
Sức mạnh của người hâm mộ có thể đưa thần tượng của mình lên đỉnh cao danh vọng. Điều này đồng nghĩa rằng các ngôi sao sẽ chẳng còn gì, thậm chí mất trắng sự nghiệp nếu cộng đồng fan của mình quay lưng.
Với quyền lực hiện có, làn sóng tẩy chay của fan có thể diễn ra dưới nhiều hình thức như ngừng tiêu thụ album, sản phẩm giải trí, thậm chí biểu tình trên mạng xã hội, yêu cầu thần tượng “biến mất”.
Ở Hàn Quốc, Soo Jin ((G)-IDLE)) vướng ồn ào liên quan đến bạo lực học đường. Trước sức ép từ dư luận và sự tẩy chay của fan, công ty chủ quản đã quyết định chấm dứt hợp đồng độc quyền với nữ idol vào tháng 3 vừa qua.
Tháng 8/2021, diễn viên Trương Triết Hạn (Trung Quốc) bị fan xa lánh do vướng bê bối về lịch sử chính trị. Không chỉ hứng chịu lời chỉ trích “làm ô danh lịch sử Trung Quốc” từ người hâm mộ, anh bị hơn 20 thương hiệu lập tức hủy bỏ hợp đồng, bao gồm thương hiệu thời trang cao cấp Pháp Lanvin và hãng trang sức Nhật Bản Tasaki.
Các tài khoản mạng xã hội với hàng chục triệu người theo dõi của Trương Triết Hạn bị xóa bỏ. Nam diễn viên bị cấm sóng, tên tuổi bị xóa khỏi các dự án cũ và không được xuất hiện trên truyền thông.
Tại Mỹ, Chris Brown là ví dụ điển hình cho việc bị fan tẩy chay sau chuỗi scandal, đặc biệt vụ hành hung Rihanna năm 2009.
Sau hơn thập kỷ, dù cố gắng sửa chữa lỗi lầm quá khứ bằng các sản phẩm âm nhạc chất lượng, Brown vẫn chưa thực sự được đông đảo khán giả đón nhận. Vẫn có người tuyên bố không muốn nghe những ca khúc mới có nam ca sĩ góp giọng.
Nói với Korea JoongAng Daily, nhà phê bình văn hóa đại chúng Jeong Deok Hyun nhấn mạnh rằng thành công thương mại của những ngôi sao hậu bê bối không đồng nghĩa rằng công chúng bỏ qua sai lầm trong quá khứ của họ.
Lee Gyu-tag, giáo sư nghiên cứu âm nhạc đại chúng và truyền thông tại Đại học George Mason (Hàn Quốc), đồng tình rằng bất chấp thành công về mặt thương mại, ngay cả sau vụ bê bối ma túy hoặc bắt nạt, những ngôi sao này sẽ không được xuất hiện trên những thứ như quảng cáo, nơi đòi hỏi cái nhìn thiện cảm từ công chúng.
Ngoài ra, nhiều người hâm mộ cho biết họ sẽ không bao giờ có khả năng ủng hộ, cống hiến hết mình cho thần tượng khác nữa, nhất là sau khi họ bị “phản bội”.
Những ý kiến này được trích bộ phim tài liệu Fanatic, nghiên cứu cảm xúc và hành vi người hâm mộ sau bê bối vi phạm pháp luật của một số ngôi sao tại Hàn Quốc.
“Trở thành người hâm mộ có thể là điều tốt”, đạo diễn Oh Se-yeon nhận xét. Theo cô, người nổi tiếng có thể trở thành nguồn động lực lớn truyền cảm hứng trong cuộc sống thường ngày.
“Thế nhưng, bạn không bao giờ biết điều gì có thể xảy ra. Vì vậy, đừng chi quá nhiều tiền, hãy giữ khoảng cách nhất định với ngôi sao dưới tư cách người hâm mộ. Thế giới quan của con người rất hạn chế, nên đừng trao trọn niềm tin của bạn cho ai đó”, cô đưa ra lời khuyên tới cộng đồng người hâm mộ.
Theo Zing.vn