logo
Thứ sáu, 10/05/2024 11:13:22

Lên án mạnh nội dung tự tử trong MV, phim ảnh


Từ lâu, nội dung liên quan đến trầm cảm, tự tử bị truyền thông, khán giả quốc tế lên án mạnh. Nghiên cứu cho thấy MV, phim ảnh tác động tiêu cực đến tâm lý của giới trẻ.

Ngày 29/4, Bộ TT&TT đã đề nghị các nền tảng xuyên biên giới như Google (bao gồm YouTube) gỡ ngay lập tức MV There’s No One At All.

Việc hình ảnh ở cuối MV của Sơn Tùng liên tưởng đến hành động tự tử vướng tranh cãi dữ dội. Khán giả và chuyên gia truyền thông cho rằng những sản phẩm thế này nên bị gỡ bỏ để không ảnh hưởng đến người xem. Tại quốc tế, những MV, thậm chí phim ảnh (dù được gắn mác 18+) có nội dung tự tử đều bị kiểm soát chặt chẽ.

Sơn Tùng đang vướng tranh cãi dữ dội vì cảnh nhạy cảm trong MV There’s No One At All.

Nội dung liên quan trầm cảm, tự tử bị lên án

Đầu tháng 1, nhà sản xuất phim và đơn vị phát sóng phim 13 Reasons Why – series xoay quanh câu chuyện nữ sinh trung học Hannah tự tử và để lại 13 cuộn băng nói lý do cô chọn cách chấm dứt cuộc sống – phải hầu tòa vì nội dung nhạy cảm.

Hollywood Reporter đưa tin một người đàn ông đâm đơn kiện nhà sản xuất phim vì con gái họ đã tự tử sau khi xem series. Đơn kiện được gửi từ tháng 8/2021. Gia đình nạn nhân cáo buộc Netflix không làm mờ hình ảnh khiêu gợi và cảnh tự tử, điều đó dẫn đến việc con gái ông tự kết liễu cuộc sống.

Tuy nhiên, đơn kiện bị bác bỏ vì Netflix đã gắn nhãn người dùng trước khi xem phim. Dẫu vậy, chính luật sư bên bị đơn khẳng định thuật toán gợi ý xem phim của ông lớn phát trực tuyến rất nguy hiểm. Trẻ em có thể tìm hiểu và xem những tác phẩm không phù hợp với độ tuổi và gây ra những hậu quả không đáng có.

Dù không bồi thường thiệt hại, Netflix phải cắt bỏ đoạn phim mô tả cảnh tự sát kéo dài 3 phút trong mùa đầu tiên của 13 Reasons Why.

Britney Spears phải lên tiếng giải thích, cắt bỏ cảnh uống thuốc dẫn đến ngủ quên trong bồn tắm để tránh gây hiểu lầm.

Ngay từ khi sản xuất mùa đầu tiên, bộ phim có mặt ca sĩ Selena Gomez trong vai trò nhà sản xuất đã bị chỉ trích tô hồng cuộc sống của bệnh nhân trầm cảm. Điều đó dễ làm khán giả hiểu sai về chuyện tự tử. Thời điểm đó, đại diện Netflix lên tiếng giải thích bộ phim là tác nhân mạnh mẽ giúp thay đổi nhận thức cho giới trẻ. Song, bộ phim luôn đối mặt với sự chỉ trích của công chúng.

Đồng thời, vấn đề trầm cảm, tự tử trong nghệ thuật vốn rất nhạy cảm, đặc biệt là trong MV của ca sĩ nổi tiếng – đối tượng có hàng triệu người hâm mộ.

Năm 2004, Britney Spears ra mắt MV Everytime. Theo MTV, kịch bản ban đầu có cảnh cô uống thuốc và chết đuối trong bồn tắm. Cuối cùng, ngôi sao nhạc pop quyết định không sử dụng nó và thay đổi đường dây kịch bản thành cảnh bị tai nạn.

Thời điểm đó, đại diện của Spears nói cô là người chủ động yêu cầu sửa kịch bản. Nữ ca sĩ không muốn người xem hiểu nhầm đây là cảnh tự tử.

“Spears đã thay đổi để đảm bảo Everytime không có cảnh tự tử. Tự kết liễu cuộc sống không phải là giải pháp tốt cho bất kỳ cá nhân nào. Người gặp vấn đề trong cuộc sống nên liên hệ với tổ chức chống tự tử để được tư vấn và hỗ trợ”, công ty của Spears tuyên bố vào thời điểm đó.

Tác động của phim ảnh, âm nhạc đến tự tử

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính mỗi năm có khoảng 800.000 người chết do tự tử. Đây là con số đáng báo động, mối quan tâm đáng kể về sức khỏe cộng đồng. Vai trò của các phương tiện truyền thông trong việc góp phần vào tỷ lệ tự tử là trọng tâm của nhiều cuộc tranh luận và nghiên cứu.

Theo nghiên cứu của nhóm Tiến sĩ Nicholas Procter (Đại học Nam Australia), có đến 53% người tham gia khảo sát cho biết họ gia tăng ý nghĩ tự sát sau khi tiếp xúc với nội dung tương tự. 24% trong số đó nói họ không có ý định thay đổi, suy nghĩ lại sau khi xem phim và phần còn lại suy giảm ý tưởng tự kết liễu cuộc sống.

Dữ liệu khảo sát cũng cho thấy việc tiếp xúc các bộ phim mô tả cảnh tự tử dẫn đến việc cân nhắc bắt chước hành vi. Dữ liệu bao gồm số liệu những cá nhân cân nhắc làm theo hành động tự tử của nhân vật chính. Việc xem càng nhiều phim có chủ đề tự tử làm tăng tỷ lệ tự sát lên đến 50%.

Trong cuộc khảo sát về việc thay đổi tâm trạng và tình trạng tự tử sau khi xem 13 Reasons Why của người trẻ tuổi, có đến 23,7% người tham gia khảo sát cho biết họ có cảm xúc tồi tệ sau khi xem phim. Điều đáng nói, người có cảm giác tồi tệ phần lớn là người từng có ý định tự tử, làm hại bản thân.

Nghiên cứu chỉ ra những bộ phim, MV có nội dung tiêu cực ảnh hưởng mạnh đến tâm lý giới trẻ.

Trong nghiên cứu của hai tác giả Scherr và Reinemann, họ không tìm thấy tác động trực tiếp của các MV có chứa cảnh tự tử tác động trực tiếp đến người xem vì thời gian tương đối ngắn. Tuy nhiên, người được khảo sát cho biết họ có xu hướng tìm những nội dung tương tự để tiếp tục tìm hiểu, điều này được cho là rất nguy hiểm.

Ngoài ra, nhiều bằng chứng cho thấy hiệu ứng bắt chước và lây lan tự tử sau khi xem phim, chứng kiến hình ảnh tự sát gia tăng. Đối với những cá nhân có suy nghĩ tự tử hoặc có tiền sử trầm cảm, tự tử, tác hại tiềm ẩn của việc xem nội dung thiếu lành mạnh có thể lớn hơn.

Trong một số trường hợp, việc xem phim có nội dung tìm kiếm sự giúp đỡ sau khi tự tử dẫn đến những kết quả tích cực. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chưa rõ liệu những lợi ích tiềm năng này có đủ lớn hơn những tác động có hại tiềm ẩn hay không.

Đến cuối cùng, quan trọng nhất là việc ngăn chặn những nội dung mô tả hành vi, cổ xúy tự tử trên các phương tiện truyền thông điện tử. Google có chính sách cụ thể về việc hạn chế nội dung nhạy cảm, khiến người xem thấy tiêu cực. Nếu vi phạm chính sách, YouTube xóa nội dung và cảnh cáo, tái phạm sẽ xóa vĩnh viễn kênh cá nhân.

Hay như TikTok, mạng xã hội video phổ biến gần đây, cũng mạnh tay với những video có nội dung, hình ảnh tiêu cực. Chia sẻ với Zing, đại diện TikTok Việt Nam nói: “Không riêng There’s No One At All của Sơn Tùng, tất cả sản phẩm có nội dung tiêu cực liên quan đến tự tử đều bị chúng tôi chặn trên nền tảng”.

Theo Zing.vn


Từ Khóa:

Tin Liên Quan