Kể từ sau cú bắt tay với Snoop Dogg trong Hãy trao cho anh (2019), các sáng tác của Sơn Tùng M-TP không có nhiều đột phá về mặt âm nhạc. Có chắc yêu là đây (2020) và Muộn rồi mà sao còn (2021) đều theo phong cách pop R&B trộn nhạc điện tử, viết về tình yêu ngọt ngào.
Bất ngờ tuyên bố trở lại với There’s No One At All, Sơn Tùng M-TP khiến người hâm mộ xôn xao vì lần đầu thử sức sáng tác và hát hoàn toàn bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, anh lại khiến nhiều khán giả thất vọng vì sử dụng hình ảnh tiêu cực, gây ảnh hưởng đến giới trẻ.
Hình ảnh vay mượn
Tên bài hát dịch sang tiếng Việt có nghĩa là “Chẳng có ai cả”. Như nhan đề, nội dung thuật lại lời tự sự của chàng trai cảm thấy cô đơn giữa đường đời.
Ngay từ những câu đầu tiên, ca sĩ hát như đang tự cổ vũ bản thân: “Don’t wanna make up / Don’t wanna make up / Headstrong / Gonna wake up” (Không muốn dàn hòa / Không muốn làm lành / Cứ cứng đầu / Sẽ thức tỉnh).
There’s No One At All là ca khúc đầu tiên Sơn Tùng M-TP sáng tác và hát tiếng Anh.
Trong MV, Sơn Tùng vào vai chàng trai người Việt sống một mình trên đất Mỹ. Cảnh quay mở màn khi ca sĩ ngồi phía sau một chiếc xe rác đang chạy. Anh mặc áo in logo ban nhạc rock Nirvana, để mái tóc xoăn giống Daesung của nhóm Big Bang.
Sau đó, Sơn Tùng bật máy cassette và đeo headphone, đưa người xem bước vào câu chuyện cuộc đời nhân vật.
Cảnh quay tiếp theo lật lại quá khứ, tiết lộ anh vốn là một cậu bé mồ côi bị bỏ rơi trước cửa nhà thờ. Đến khi lớn lên, nhân vật trở thành một chàng trai ngổ ngáo. Anh đi trên đường với vẻ mặt bất cần, không hề ngần ngại tông thẳng vào người khác.
Phần lớn bối cảnh MV đặt vào ban đêm. Trong khi mọi người đang vui vẻ bên nhau, nhân vật liên tục tỏ ra phẫn nộ với thế giới. Theo thời gian, sự rối loạn trong tâm lý nhân vật càng tăng lên. Anh đi vào nhà hàng và đập phá tất cả bên trong. Không còn cách nào khác, khách hàng phải gọi cảnh sát.
MV cũng đan xen những cảnh hồi tưởng (flashback) với tông màu trắng đen, cho thấy nhân vật từng trải qua bạo lực học đường, bị các bạn trong trường lớp xa lánh, cười chê.
Ở nửa sau, MV dần chuyển hướng sang lột tả nội tâm của nhân vật. Chẳng hạn, anh đứng đối diện chính mình trong gương hay chạy một mình trong con đường không một bóng người.
Các cảnh quay được sắp xếp để tạo thành câu chuyện về người ở bên lề xã hội. Từ nhỏ đã thiếu tình thương, nhân vật lớn lên nhưng không tìm được sự đồng cảm hay giúp đỡ của bất kỳ ai.
Hình ảnh của Sơn Tùng M-TP trong MV.
Khi There’s No One At All được tung lên mạng, nhiều ý kiến so sánh hình ảnh trong MV với những MV trước đó của G-Dragon. Cảnh quay Sơn Tùng M-TP dùng chân đạp vào gương chiếu hậu của ôtô hay cảnh anh đập ngổ ngáo trên đường, đập phá đồ đạc gợi nhớ MV Michigo (2013) và Crooked (2013) của trưởng nhóm Big Bang.
Một số ý kiến tỏ ra không bất ngờ vì trước đây Sơn Tùng M-TP từng dính phải rất nhiều nghi án đạo nhái. Anh cũng được nhiều người gọi là “G-Dragon phiên bản Việt”.
Thông điệp tiêu cực
Cảnh quay gây tranh cãi nhất trong MV là khoảng năm giây cuối, khi Sơn Tùng đứng trên một tòa nhà cao tầng bỏ hoang. Góc máy lia từ phía dưới lên cao rồi xoáy thẳng vào gương mặt ca sĩ. Anh không hề che giấu tâm trạng buồn bã với ánh mắt thiếu sức sống và giọt nước mắt lăn dài trên má.
Sau đó, ống kính nhanh chóng dời về phía sau. Cảnh quay tiếp theo cho thấy nhân vật nhảy từ trên nhà cao tầng xuống dưới lòng đường.
Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến chỉ trích cảnh quay này vì quá tiêu cực. Cảnh quay khiến người xem liên tưởng đến nhiều sự việc gây xôn xao gần đây khi các học sinh tự tử vì quá áp lực cuộc sống.
Sơn Tùng M-TP là một trong những ca sĩ được giới trẻ yêu thích nhất hiện nay. Phần lớn các khán giả của anh rơi vào độ tuổi Gen Z (sinh năm 1996 trở về sau). Thậm chí, rất nhiều học sinh trung học và phổ thông cũng xem Sơn Tùng M-TP là thần tượng, là tấm gương để học tập.
Do đó, việc ngôi sao và ê-kíp lồng ghép nhiều cảnh quay tiêu cực vào MV là hướng đi chưa đúng đắn. Ngay cả khi không cố tình, những cảnh quay này vẫn có thể tác động không nhỏ đến tâm lý người xem, đặc biệt là đối tượng khán giả trẻ.
Nội dung và hình ảnh MV gây tranh cãi vì quá tiêu cực, đề cập đến việc người trẻ tự tử.
Xét về ca từ, sáng tác cũng có những điểm khá tiêu cực. Ở phần lời một (verse 1), anh tâm sự “không bao giờ biết đến tình yêu”, cảm thấy chán nản trước “nỗi đau” và “xiềng xích”.
Đến phần lời hai (verse 2), ca sĩ tiếp tục nhấn mạnh tư tưởng muốn trốn thoát khỏi thực tại đau buồn. Khi không có ai bên cạnh, anh “như người mất trí”, “không còn cố gắng”, nhìn người yêu mà mong cô “chết đi cho rồi”.
So với những sáng tác tiếng Việt trước đó, Sơn Tùng M-TP chọn lối viết đơn giản và kiệm lời hơn. Ca sĩ muốn tăng nhịp điệu bài hát nhanh để dồn sự bùng nổ vào câu kết, cũng là tên bài hát.
Điểm trừ là phần sản xuất lạm dụng auto-tune (phần mềm điều chỉnh tự động) khiến giọng hát Sơn Tùng nghe xa lạ. Bản phối sử dụng nhiều chất liệu điện tử để duy trì không khí. Tuy nhiên, các âm thanh tương đối cũ, gợi nhớ âm nhạc thập niên 2000. Giai điệu bài cũng đều đều, không có cao trào hay điểm nhấn đáng chú ý.
Thời điểm công chiếu trực tuyến, There’s No One At All chỉ đạt khoảng 370.000 lượt xem, thấp một nửa so với Muộn rồi mà sao còn (khoảng 662.000 lượt) và kém xa Chúng ta của hiện tại (khoảng 1,5 triệu lượt xem).
Sản phẩm đang nhận làn sóng tẩy chay mạnh mẽ từ phía khán giả. Nhiều ý kiến cho rằng MV cần được gỡ bỏ khỏi các mạng xã hội để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực cho giới trẻ.
Theo Zing.vn