Chiều 29/4, ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục PTTH & TTĐT (Bộ TT&TT) cho hay Cục đã nhận được công văn của Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) về hướng xử lý với MV There’s No One At All, chứa hình ảnh tiêu cực, gây tranh cãi.
Theo đó, nội dung biểu diễn của bản ghi âm, ghi hình ca khúc mới của Sơn Tùng M-TP mang thông điệp tiêu cực, không có tính giáo dục với nhiều cảnh đuổi bắt, đập phá, bạo lực và kết thúc là hình ảnh nhân vật tự tử đã tác động mạnh đến tâm lý người xem, dễ gây ảnh hưởng, định hướng hành vi tiêu cực của xã hội, đặc biệt là trẻ em.
Từ cách đây vài năm, có một xu hướng trong âm nhạc và trên mạng xã hội của thanh thiếu niên lãng mạn hóa chứng trầm cảm, hoặc như nhà báo người Mỹ Andrew Matson gọi là “trào lưu hóa tự tử”, theo mvnews.
Ca sĩ kiêm nhạc sĩ 20 tuổi Billie Eilish làm nên tên tuổi bằng cách bình thường hóa chứng trầm cảm trong thế hệ Z.
Năm 2015, Eilish (khi đó 14 tuổi) đăng tải ca khúc Ocean Eyes lên trang chia sẻ nhạc trực tuyến và thu hút sự chú ý chỉ sau một đêm. Sau đó, cô được hãng thu âm ký hợp đồng và tạo nên xu hướng nhạc chậm, buồn.
Kể từ đó, cuộc sống của nhiều người trẻ, từ mạng xã hội, nền tảng xem video đến radio trên xe hơi, ngập tràn sản phẩm của Eilish. Các MV của giọng ca người Mỹ chứa đầy nỗi buồn, đồ vật và cảnh tượng liên quan đến trầm cảm.
Hiện tại, chưa có nghiên cứu nào cho thấy mối liên hệ giữa “nhạc buồn” với sự gia tăng lo âu hoặc trầm cảm. Tuy nhiên, khả năng người hâm mộ bắt chước cảm xúc và hành vi của thần tượng đã được chứng minh.
Do đó, việc Billie Eilish miêu tả nỗi buồn và trầm cảm có thể khiến người hâm mộ trẻ tuổi của cô có ấn tượng sai lệch.
Học theo thần tượng
Trong MV When the Party’s Over, Billie Eilish ngồi trong căn phòng màu trắng giống như phòng giam và có đệm giống ở bệnh viện tâm thần với chất lỏng màu đen chảy ra từ đôi mắt. MV Lovely lại cho thấy cảnh nữ ca sĩ bị mắc kẹt trong hộp thủy tinh chứa đầy nước và như đang chết đuối.
Theo mvnews, thanh thiếu niên xem những video ca nhạc kiểu này có thể cảm thấy áp lực đến mức trầm cảm ngay cả khi họ không gặp rối loạn sức khỏe tâm thần. Thực tế, sau khi hai MV trên được phát hành, có xu hướng người trẻ thể hiện rõ ràng sự lo lắng và trầm cảm trên mạng xã hội.
Việc sử dụng nỗi buồn và chứng trầm cảm trong MV để thảo luận về suy nghĩ tự tử và tự làm hại bản thân, Eilish đã bình thường hóa những vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Billie Eilish có thể truyền cảm hứng và mang lại hy vọng cho thanh thiếu niên mắc chứng trầm cảm bằng cách thể hiện cuộc đấu tranh của mình với tư cách là người của công chúng. Tuy nhiên, cô cũng lãng mạn hóa chứng trầm cảm và tự sát trở thành chuẩn mực mới ở Mỹ và trên toàn thế giới.
Newport Academy nhận định dù tốt lên hay tệ đi, người nổi tiếng có tác động mạnh mẽ đến cách thanh thiếu niên nhìn nhận bản thân và cuộc sống.
Trên thực tế, các ngôi sao có thể có ảnh hưởng tích cực đến người hâm mộ của họ với vai trò là hình mẫu. Tuy nhiên, những ca sĩ, diễn viên và người nổi tiếng khác cũng có thể là tấm gương không lành mạnh.
Khi các ngôi sao nổi tiếng đăng hình ảnh uống rượu hoặc hút thuốc trên mạng xã hội, họ sẽ bình thường hóa việc sử dụng chất kích thích. Hơn nữa, điều này làm cho họ trông hấp dẫn và “ngầu”.
Hơn nữa, thanh thiếu niên thường thần tượng người nổi tiếng và muốn được như họ. Do đó, nếu thấy hình ảnh của ca sĩ hoặc diễn viên yêu thích sử dụng chất kích thích hoặc uống rượu, họ cũng có thể bị cám dỗ.
Ví dụ, nghiên cứu của Trường Y thuộc Đại học Pittsburgh (Mỹ) xem xét thanh thiếu niên thường xuyên nghe nhạc có liên quan đến cần sa. Sau đó, họ phát hiện rằng nhóm người trẻ này có nhiều khả năng sử dụng ma túy hơn số khác ít tiếp xúc với những lời bài hát như vậy.
Ngoài ra, cứ mỗi giờ nghe nhạc, thanh thiếu niên Mỹ lại nghe thấy hơn 3 lần nhắc đến các nhãn hiệu rượu khác nhau. Các nhà nghiên cứu nói rằng điều này có thể góp phần vào việc uống rượu của giới trẻ.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu tại Trường Y Dartmouth (Mỹ) phát hiện rằng các nhân vật trong phim hút thuốc lá ảnh hưởng đến việc thanh thiếu niên thử hút thuốc. Do đó, ảnh hưởng của phương tiện truyền thông đối với giới trẻ có thể góp phần vào các hành vi rủi ro.
Con dao hai lưỡi
Nhiều người nổi tiếng chia sẻ về cuộc đấu tranh với chứng nghiện ngập và sức khỏe tâm thần. Nhờ đó, họ giúp giảm thái độ kỳ thị và nâng cao nhận thức.
Ví dụ, trước khi vào trại cai nghiện do sử dụng ma túy quá liều vào đầu hè năm 2018, ca sĩ Demi Lovato đã phát hành bài hát về việc tái nghiện có tựa đề Sober. Ca khúc đã truyền cảm hứng cho người trẻ trên toàn nước Mỹ cởi mở về việc lạm dụng chất kích thích và những thách thức về sức khỏe tâm thần của họ.
Tương tự, nữ ca sĩ Ariana Grande từng thẳng thắn chia sẻ về cuộc chiến với chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) và sự lo lắng sau vụ đánh bom tại địa điểm cô đang biểu diễn. Người mẫu Bella Hadid cũng chia sẻ về chứng lo âu trên mạng xã hội.
Hoàng tử Harry của Anh lên tiếng công khai về nỗi đau mất mẹ. Sau đó, anh cùng anh trai là Hoàng tử William lập ra dự án giải quyết vấn đề kỳ thị, nâng cao nhận thức và giúp đỡ những người gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần.
Đây chỉ là một vài trong số rất nhiều người nổi tiếng đã chia sẻ những cuộc đấu tranh của họ trong cuộc sống. Kết quả là người nổi tiếng ảnh hưởng đến sự hiểu biết của công chúng về những vấn đề này.
Do văn hóa đại chúng đóng vai trò lớn trong cuộc sống của thanh thiếu niên, những người nổi tiếng ảnh hưởng đến cách nhóm này suy nghĩ và bàn luận. Do đó, cha mẹ có thể nói với con về những chủ đề nhạy cảm.
Người lớn có thể hỏi thanh thiếu niên rằng chúng ngưỡng mộ gì ở các ngôi sao mà mình theo dõi. Chúng có thể học được gì từ cuộc sống của người nổi tiếng từng phải vật lộn với chứng trầm cảm, lo âu, rối loạn ăn uống hoặc sử dụng chất kích thích.
Tất nhiên, sự chọn lọc là cần thiết bởi không phải câu chuyện, hình ảnh, sản phẩm nào của người nổi tiếng cũng có thể là hình mẫu tích cực cho thanh thiếu niên. Đó như con dao hai lưỡi, có thể ảnh hưởng tốt hoặc xấu đến người trẻ.
Theo Zing.vn