logo
Thứ ba, 14/11/2023 01:31:55

Tôn thờ thần tượng, xấu hay tốt?


Chia sẻ quan điểm trong bài viết "Tôn thờ thần tượng, xấu hay tốt?", tác giả Huỳnh Chí Viễn cho rằng không hâm mộ bất kỳ ai là dấu hiệu của chứng bệnh tâm lý ái kỷ.

Chia sẻ với Zing về bài viết “Tôn thờ thần tượng, xấu hay tốt?”, tác giả Huỳnh Chí Viễn cho biết: “Ái mộ thần tượng là vấn đề bình thường về tâm lý của giới trẻ, nhưng người lớn lại có cái nhìn tiêu cực. Việc này khiến cho hai thế hệ có những mâu thuẫn không đáng có. Nếu cả hai bên nhìn được vấn đề từ phương diện của đối phương, có thể họ sẽ có tiếng nói dung hòa hơn”.

Văn hóa hâm mộ thần tượng

Khi báo chí đăng tải hình ảnh các bạn trẻ Việt Nam khóc ngất và hôn ghế của những ngôi sao Kpop đến Việt Nam biểu diễn, nhiều người đã lên án gay gắt hành động cuồng thần tượng thái quá của các fan này.

Khi một nam MC thể hiện sự hâm mộ cuồng nhiệt đối với Jack Ma bằng cách lạy thần tượng của mình trước bàn dân thiên hạ trong buổi trò chuyện của Jack Ma ở Hà Nội, dư luận lại dậy sóng về những gì nam MC làm, cho rằng đây là chuyện không thể chấp nhận.

Đa số đều chê những hành động trên là điên rồ, thiếu tự trọng, đánh mất bản thân và không có tinh thần dân tộc. Nhìn chung, việc thể hiện sự hâm mộ thần tượng bằng những hành động bốc đồng thiếu kiểm soát đều bị dư luận ném đá kịch liệt.

Tạm thời bỏ qua những định kiến về khía cạnh đạo đức, truyền thống hay tự tôn dân tộc trong những các hành xử thái quá nói trên, hãy nhìn vào phương diện tâm lý học để phân tích xem chứng cuồng thần tượng này bắt nguồn từ đâu, đúng hay sai, và có lợi và có hại gì. Từ đó, khán giả có thể có cái nhìn toàn diện và khách quan hơn về vấn đề khá phổ biến trong giới trẻ ngày nay.

Có thể chia thần tượng thành các thể loại sau:

1 – Thần tượng đời thường: Đây là những người chúng ta gặp và giao tiếp thường xuyên trong cuộc sống và có những điểm đáng cho chúng ta khâm phục ngưỡng mộ như cha mẹ, anh chị, thầy cô hoặc bạn cùng lớp học giỏi.

2 – Thần tượng giải trí: Đây là những người nổi tiếng như ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên, vận động viên thể thao… Đối tượng người hâm mộ của thần tượng giải trí thông thường là các thanh thiếu niên từ trung học đến đại học.

3 – Thần tượng sự nghiệp: Đây là những người thành đạt trong sự nghiệp và họ tạo cảm hứng cho những người hoạt động trong cùng lĩnh vực, là cái đích để những người hâm mộ vươn tới. Đơn cử Steve Jobs, Bill Gates, Jack Ma… Người hâm mộ của họ là những người làm trong cùng ngành nghề hoặc muốn chọn ngành nghề đó làm sự nghiệp của bản thân.

4 – Thần tượng siêu thực: Đây là những thần tượng được tạo ra, không phải người thực. Đó có thể là nhân vật trong tiểu thuyết, phim ảnh, truyện tranh hay trong phim hoạt hình. Các nhân vật Batman, Spiderman, Doraemon… là những ví dụ cụ thể cho kiểu thần tượng này.

Tại sao con người lại phải có thần tượng?

Việc có một hoặc nhiều thần tượng trong cuộc sống là điều bình thường. Và ở một khía cạnh nào đó, có thể nói rằng sẽ khá bất thường nếu bạn không có một thần tượng nào trong đời, bất kỳ kiểu thần tượng nào trong những nhóm đã được liệt kê phía trên. Nếu xét trên góc độ tâm lý học, việc hâm mộ thần tượng thể hiện nhiều nhu cầu sau của con người.

Đầu tiên là nhu cầu hướng thiện và cải thiện bản thân. Một cá nhân chọn hâm mộ những nhân vật có tài năng xuất chúng, nhân cách đẹp hoặc làm được những điều phi thường, vì trong thâm tâm chúng ta đã có ý định học tập và bắt chước thần tượng. Đó là động lực để con người hoàn thiện bản thân mình trong cuộc sống.

Tiếp theo là nhu cầu được chấp nhận bởi cộng đồng. Trong tháp nhu cầu Maslow, nhu cầu được thuộc về một cộng đồng nào đó là một trong những nhu cầu bậc cao của con người. Trở thành thành viên của một nhóm cùng hâm mộ thần tượng, được tham gia sinh hoạt fanclub, được cùng mọi người trong nhóm thể hiện sự hâm mộ với thần tượng (lập fanpage, fanzone, làm quà tặng…) khiến cho một cá nhân cảm thấy được đón nhận và có ích.

Thứ đến là nhu cầu thể hiện đẳng cấp và trình độ. Cuộc chiến về đẳng cấp và trình độ là cuộc chiến không bao giờ có hồi kết của giới hâm mộ. Người hâm mộ nhạc cổ điển chê bai fan của nhạc rock, trong khi fan của nhạc rock có thể lời qua tiếng lại với fan của các thể loại nhạc thị trường như pop hay EDM.

Fan của dòng phim hành động thường không thích thú với các bà nội trợ ưa chuộng xem dòng phim truyền hình nhiều tập của Hàn Quốc hay Đài Loan. Những việc trên thường xảy ra vì lý do duy nhất: Muốn chứng tỏ rằng những gì mình tôn thờ có giá trị hơn những gì người khác tôn thờ, qua đó gián tiếp khẳng định “tôi có trình độ nhận thức cao hơn bạn”.

Các cấp bậc của việc tôn sùng thần tượng

Có nhiều người nói rằng chưa bao giờ thần tượng ai và rất tự hào rằng mình là người có bản lĩnh không bị đám đông lôi kéo. Tuy nhiên, việc không có thần tượng là một điều không bình thường về mặt tâm lý, vì đây là dấu hiệu của chứng ái kỷ, tâm lý tự tôn sùng bản thân.

Một người dù nhiều hay ít đều hâm mộ một ai đó, và ở những cấp độ khác nhau, có điều không phải ai cũng nhận ra vấn đề này. Lý giải cho việc nhiều người không nhận ra bản thân đang hâm mộ một đối tượng nào đó, là bởi ngưỡng mộ cũng được chia thành những cấp độ nặng nhẹ khác nhau.

1 – Yêu thích (Appreciative): Đây là bước đầu trong trình tự thần tượng một người, tình cảm chỉ dừng ở mức độ yêu quý và thích tìm hiểu những gì liên quan tới thần tượng. Tình cảm này có thể phát triển thêm một mức, trở thành ngưỡng mộ hoặc phai nhạt đi nếu người đó tìm được một thần tượng mới thích hợp hơn.

2 – Ngưỡng mộ (Admiring): Ở bước thứ hai, người hâm mộ bắt đầu tìm hiểu kỹ hơn và có hệ thống hơn về thần tượng. Họ cảm thấy tự hào khi nghe tên thần tượng được ai đó ngẫu nhiên nhắc đến hoặc phát hiện ra rằng có người cùng thích thần tượng đó giống như mình. Họ thường nghĩ đến hoặc liên tưởng những thứ ngẫu nhiên tới thần tượng, với niềm vui màu hồng. Tuy nhiên, lý trí của nhóm người hâm mộ này vẫn vạch rõ ranh giới giữa thực và ảo.

van hoa ham mo than tuong anh 8
Fan Kpop có thể được xếp vào mức độ từ ngưỡng mộ (Admiring) tới trung thành (Loyal/Devoted) hoặc cuồng nhiệt (Die-hard/Hardcore). Ảnh: SM Entertainment.

3 – Trung thành (Loyal/Devoted): Fan trung thành là người yêu quý thần tượng có thâm niên, với hiểu biết sâu về thần tượng. Họ có thể là thành viên của một hoặc nhiều fanclub. Phần đông nhóm fan này có khuynh hướng bắt chước thần tượng trong cách ăn mặc, sở thích hoặc thói quen hàng ngày. Họ có sở thích sưu tập những gì liên quan đến thần tượng và tích cực tham gia các hoạt động có liên quan tới thần tượng của mình. Họ đồng thời chấp nhận thần tượng có cả mặt tốt lẫn mặt xấu.

4 – Cuồng nhiệt (Die-hard/Hardcore): Một hardcore fan sẽ bảo vệ thần tượng trong bất cứ hoàn cảnh nào và sẵn sàng tranh cãi, gây hấn với antifan vì thần tượng. Trong nhà của họ, vật dụng hầu như có liên quan đến thần tượng. Họ có thể bỏ việc để đi gặp mặt thần tượng. Đối với nhóm fan này, việc được gặp thần tượng, chụp hình chung hoặc được ký tặng có thể tạo ra niềm vui không gì so sánh được.

5 – Phục tùng (Submissive): Ở mức độ phục tùng, tâm lý của người hâm mộ đã chuyển biến một cách bất thường, vì họ coi mình thuộc về thần tượng của mình. Họ tôn sùng thần tượng như một vị thần linh và sẵn sàng làm theo bất cứ những gì thần tượng muốn, kể cả việc tự tử. Họ không cần sự đền đáp từ thần tượng vì họ cho rằng họ quá nhỏ bé và thấp hèn so với thần tượng.

6 – Chiếm hữu (Possessive): Đây là mức độ thần tượng biến thái nhất, vì người hâm mộ có cảm giác muốn chiếm lấy thần tượng làm của riêng, không muốn nhường cho bất cứ ai khác. Họ có thể lên kế hoạch đột nhập vào nhà hoặc theo dõi thần tượng sát sao, cản trở và tìm cách xua đuổi những người hâm mộ khác, thậm chí có thể bắt cóc và ám sát để độc chiếm lấy thần tượng.

van hoa ham mo than tuong anh 9
John Lennon bị fan cuồng ở mức độ chiếm hữu (Possessive) ám sát vào năm 1980. Ảnh: AP.

Thể hiện cách hâm mộ thần tượng như thế nào là hợp lý?

Khi yêu thích hay ngưỡng mộ ai, người hâm mộ có đủ cách để thể hiện tình cảm dành cho thần tượng của mình, từ lịch sự văn minh cho tới phản cảm, tùy theo trình độ nhận thức cũng như mức độ yêu quý thần tượng của mỗi người.

Dĩ nhiên, không có một điều khoản nào trong pháp luật cũng như trong đạo đức quyết định rằng cách thể hiện này là đúng mực còn cách thể hiện kia là phản cảm, cần phải có biện pháp chế tài. Điều duy nhất có thể tạm coi là tiêu chuẩn đánh giá những hành động này có quá khích hay không, là chuẩn mực văn hóa truyền thống của từng dân tộc.

Đối với người Á Đông có truyền thống thờ cúng ông bà tổ tiên và chịu ảnh hưởng của Nho giáo, việc các bạn trẻ gào khóc gọi tên hoặc ôm hôn chỗ ngồi thần tượng chắc chắn sẽ vấp phải sự chỉ trích của người lớn tuổi. Các bậc phụ huynh sẽ không chấp nhận, cũng không bao giờ hiểu được việc con trẻ tôn sùng hay ngất xỉu vì kích động trước những người bị gọi là “xướng ca vô loài”.

Trong tình huống này, những nhiều người lớn tuổi đã đánh đồng bổn phận hiếu thuận với cha mẹ của con trẻ và quyền tự do biểu đạt cảm xúc, sau đó dùng bổn phận đó để cấm đoán quyền tự do biểu đạt cảm xúc cá nhân, từ đó phê phán luôn nhân cách người khác.

van hoa ham mo than tuong anh 10
Hâm mộ thần tượng một cách cuồng nhiệt thường xuất hiện ở các bạn trẻ lứa tuổi 13-19.

Các hành động quá khích thể hiện sự hâm mộ đối với thần tượng thường xảy ra với đối tượng tuổi teen (13-19 tuổi) vì đây là giai đoạn các bạn trẻ đang nỗ lực trong việc hình thành nhân cách bản thân. Đặc điểm của giai đoạn này là tính khí thay đổi bất thường, thích thể hiện và chứng tỏ bản thân mình bằng những hành động, và thiếu khả năng kiềm chế được những cảm xúc bộc phát.

Tuy nhiên, sau giai đoạn dậy thì, những hành động quá khích sẽ được cá nhân điều chỉnh một cách hợp lý hơn vì lúc này tính cách của một người đã phát triển tương đối hoàn chỉnh, đồng thời người đó cũng sẽ có nhiều trách nhiệm phải gánh vác hơn.

Cách biểu đạt sự hâm mộ của họ đối với thần tượng lúc này cũng sẽ tế nhị và chừng mực hơn mặc dù tình yêu và sự ngưỡng mộ đối với thần tượng chưa hẳn đã giảm sút. Đồng thời họ cũng học cách chấp nhận sự thật rằng thần tượng của họ cũng là con người, cũng có mặt tốt mặt xấu và cũng phạm sai lầm thay vì bênh vực mù quáng.

van hoa ham mo than tuong anh 11
Hâm mộ thần tượng là hiện tượng tâm lý thông thường, không đáng bị lên án. Ảnh: Tùng Đoàn.

Xét cho cùng, việc các bạn trẻ ngày nay thể hiện sự cuồng nhiệt quá mức đối với các thần tượng giải trí không hẳn là điều gì to tát hoặc nghiêm trọng như nhiều người cố tình áp đặt cách suy nghĩ cứng nhắc về lòng tự trọng hoặc trách nhiệm bổn phận lên cộng đồng fan.

Việc có một hoặc nhiều thần tượng trong cuộc sống xét cho cùng không phải là điều sai trái hoặc đáng lên án. Những thần tượng này sẽ thay đổi tùy theo lứa tuổi và trình độ nhận thức của con người. Người có nhận thức càng cao thì càng có những thần tượng tốt.

Vì thế thay vì lên án chỉ trích thái quá việc tôn thờ thần tượng của giới trẻ, việc nên làm là thay đổi nhận thức của các bạn trẻ để các bạn hiểu được rằng: Cá tính của một người nằm ở chiều sâu kiến thức, nhận thức và kinh nghiệm sống, cũng như ý nghĩa của những gì bạn đã nhận được và cho đi, không nằm ở những thứ hào nhoáng mà truyền thông khoác lên người của một thần tượng thị trường.

Huỳnh Chí Viễn (sinh năm 1981) là tác giả cuốn sách Có một nước Mỹ rất khác, kể về quãng thời gian nhiều thăng trầm của anh khi du học tại Mỹ. Anh là người hâm mộ cuồng nhiệt của nhóm The Beatles, có khả năng sáng tác thơ và nhạc, ca hát, vẽ tranh. Tuy nhiên, Huỳnh Chí Viễn quyết định từ bỏ đam mê nghệ thuật để theo học ngành Ngôn ngữ Anh tại Nicholls State University (Louisiana, Mỹ). Hiện anh là giám đốc một trung tâm tiếng Anh tại TP.HCM.

Theo Zing.vn


Từ Khóa:

Tin Liên Quan