logo
Thứ bảy, 11/11/2023 04:29:36

‘Thu dẩm’, ‘Xếp hình’: Khó cấm, nhưng thị trường sẽ đào thải


Thực tế nhạc Việt chứng minh những ca khúc có tiêu đề câu khách, mang ý đồ thô tục như “Thu dẩm”, “Xếp hình”, “Như lời đồn” không thể có sức sống lâu bền trên thị trường.

Những ngày gần đây, vấn nạn ca khúc nhảm với tiêu đề câu khách, thô tục trở thành một chủ đề được quan tâm của làng nhạc. Nhiều người đặt câu hỏi: “Cơ quản quản lý ở đâu trước sự tồn tại của những sản phẩm âm nhạc như Xếp hình, Như cái lò hay gần đây nhất là Thu dẩm, Như lời đồn?”

Nhạc sĩ Dương Cầm cho biết: “Nếu có quyền, tôi sẽ cấm những ca khúc như Như lời đồn của Khắc Hưng, Bảo Anh”. Trong khi, nhạc sĩ Lê Minh Sơn cũng đặt thắc mắc về trách nhiệm của giới quản lý văn hóa, thông tin khi để nhan đề và ca từ dung tục xuất hiện “nhan nhản” trên thị trường âm nhạc.

‘Thu dam’, ‘Xep hinh’: Kho cam, nhung thi truong se dao thai hinh anh 1
Ca khúc Như lời đồn của Khắc Hưng – Bảo Anh gây tranh cãi những ngày qua.

Tuy vậy, cũng có không ít người trong nghề khẳng định việc “cấm” những ca khúc như vậy là không đơn giản, thậm chí là không thể cấm được.

“Về vấn đề này, tôi nghĩ rất cần cơ quan quản lý vào cuộc với những động thái cụ thể, rõ ràng. Tuy nhiên, chúng ta đều biết cấm là rất khó. Do vậy, nên chăng cần một cuộc trò chuyện, trao đổi với các nghệ sĩ để đưa ra một tiêu chí nào đó nhất định. Còn với các ca khúc mang nội dung thô tục, dư luận xã hội và khán giả phản ứng mạnh thì phải phạt nặng”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nêu quan điểm.

Giới quản lý văn hóa “không quản được”

Trao đổi với Zing.vn vào ngày 26/10, ông Nguyễn Quang Vinh, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch), cho biết ông chưa trực tiếp nghe những ca khúc như Thu dẩm, Như cái lò, Như lời đồn nhưng đã nắm bắt được dư luận về câu chuyện tên ca khúc thời gian qua.

“Có vấn đề là các sản phẩm đó được phát, đăng tải trên mạng. Chúng tôi không quản được. Vì trên mạng nên lại thuộc vấn đề của Bộ Thông tin Truyền thông, chúng tôi chỉ đề nghị là cơ quan quản lý mạng phải xem xét và có biện pháp ngăn chặn”, ông Vinh khẳng định.

Trước câu hỏi “Nếu nghệ sĩ mang những ca khúc như vậy đi biểu diễn, Cục có động thái như thế nào?”, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho hay biểu diễn ở địa phương nào, địa phương đó sẽ có trách nhiệm.

“Theo quy định, Cục là cơ quan quản lý Trung ương, còn sân khấu địa phương là do địa phương cấp phép quản lý. Thế nên biểu diễn trong phạm vi nào, địa phương sẽ có trách nhiệm”, ông Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh.

‘Thu dam’, ‘Xep hinh’: Kho cam, nhung thi truong se dao thai hinh anh 2
Năm 2017, Khắc Hưng từng bị chỉ trích với ca khúc Như cái lò.

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên lãnh đạo Cục Nghệ thuật Biểu diễn bày tỏ gặp khó trong việc quản lý những ca khúc nhảm được đăng tải trên mạng xã hội như YouTube.

Cuối năm 2017, Cục Nghệ thuật Biểu diễn từng tổ chức hội thảo về hoạt động sáng tác, lưu hành tác phẩm nghệ thuật ca múa nhạc. Khi đó, ông Lê Minh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cũng đã nêu thực trạng các nhạc phẩm không có chất lượng nghệ thuật, ca từ nhảm nhí xuất hiện ngày một nhiều, ví dụ: Phiếu bé ngoan, Tan ka ka, Em không hối tiếc, Như cái lò…

Các nhà quản lý từng đặt ra câu hỏi: để thị trường tự phát triển hay can thiệp bằng cách ngăn chặn, cấm đoán. Bình luận về vấn đề này, nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu, Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, cho rằng đây là bài toán khó, bởi: “Mặc kệ thì lo các ca khúc đó làm lệch lạc thẩm mỹ công chúng nhưng ngăn cấm trong xu thế hội nhập toàn cầu thì chỉ là biện pháp vô vọng, đôi khi phản tác dụng”.

Theo nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Châu, cách tốt nhất là phải đầu tư nhiều hơn nữa cho các tác phẩm tốt để giới trẻ không bị “đói” về tinh thần. Bên cạnh đó, các nhà quản lý cũng cần cập nhật, lắng nghe từ giới trẻ để hiểu họ muốn thưởng thức những gì nhằm đưa ra các sản phẩm phù hợp.

‘Thu dam’, ‘Xep hinh’: Kho cam, nhung thi truong se dao thai hinh anh 3
Nhiều ý kiến đề nghị cấm những ca khúc như Xếp hình, tuy vậy, việc cấm một ca khúc phát trên mạng không phải chuyện đơn giản.

Thị trường sẽ tự đào thải?

Với giới trong nghề, khi chưa có cách để giải quyết, xử lý triệt để những ca khúc như Xếp hình, Thu dẩm, sự đào thải của thị trường vẫn là một trong những cách được chờ đợi. Nhiều ý kiến cho rằng công chúng đang ngày càng tỉnh táo, biết chọn lựa. Do vậy, những sản phẩm thô tục, phản cảm khó có thể được đón nhận thời gian dài.

Nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha cho rằng mỗi thời đều có rất nhiều bài hát ra đời, nhưng luôn luôn phải chịu “sự sàng lọc”.

“Những bài hát kiểu bông đùa như vậy không tránh khỏi sự sàng lọc. Mình không thể cấm được quyền tự do sáng tạo của mọi người. Nhưng, những bài hát theo dạng này thì khó phổ biến lâu dài được, bởi nhiều người sẽ không thích”, nhà phê bình Nguyễn Thụy Kha nêu quan điểm.

Đồng tình với quan điểm này, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long khẳng định thị trường luôn có khả năng tự đào thải. Thực tế chứng minh những ca khúc có sức sống lâu bền, đi cùng năm tháng, được nhiều thế hệ yêu thích phải là những ca khúc hay, văn minh, có giá trị về âm nhạc.

“Ngược lại, những ca khúc không có giá trị nghệ thuật, đặt tên nói lái câu khách, ca từ phản cảm, thô tục chỉ gây chú ý được một thời gian rồi sẽ chết yếu. Thế nên, một mặt chúng ta đấu tranh những cũng không nên quá bi quan”, Nguyễn Quang Long nhấn mạnh với Zing.vn.

Không chỉ giới trong nghề, số đông công chúng yêu nhạc cũng tin rằng những ca khúc như Xếp hình, Thu dẩm, Như cái lò chỉ là những chiêu trò “sớm nở tối tàn”, không thể là những ca khúc đình đám, gắn với “thanh xuân” của khán giả.

Thực tế nhạc Việt cho thấy những ca khúc có tiêu đề thô tục, ca từ phản cảm chỉ gây chú ý ban đầu, được nghe vì nhiều người tò mò. Nhưng ngoài tranh cãi, ca khúc thường không thể thành công hay đạt thứ hạng câu trên các bảng xếp hạng âm nhạc uy tín. Thậm chí, ca sĩ và nhạc sĩ của những sản phẩm này còn bị cho là “mất nhiều hơn được”.

Như cái lò hiện là một trong những MV có lượng dislike (không thích) lớn nhất Vpop, lên tới 72.000. Với Như lời đồn, con số là 15.000. So sánh với Sau tất cả, Ghen, Ánh nắng của anh hay Đâu chỉ riêng em – cũng do Khắc Hưng sáng tác – những sản phẩm gây tranh cãi như Như lời đồn, Như cái lò cũng không thể có lượt xem/ nghe nhiều hơn.

Rõ ràng, chính công chúng mới là những người “cầm cân nảy mực” đối với “tuổi thọ” của một sản phẩm âm nhạc.

‘Thu dam’, ‘Xep hinh’: Kho cam, nhung thi truong se dao thai hinh anh 4
Thu dẩm là ca khúc lộ rõ ý đồ câu khách thô tục.

Ngoài Khắc Hưng, trường hợp của Phạm Toàn Thắng cũng tương tự. Những ca khúc làm nên tên tuổi của Thắng phải là Tháng tư là lời nói dối của em, Chuyện của mùa đông, Bốn chữ lắm. Tất nhiên, không bao giờ là Nắng cực. Nắng cực luôn được xem là ca khúc dở nhất của Phạm Toàn Thắng, chính anh cũng thừa nhận đó là một trong những “phút ngông” của tuổi trẻ.

Tương tự, Thu dẩm của rapper LK cũng chết yếu, và gần như chỉ được truyền thông nhắc đến như một thảm họa vì tiêu đề, ca từ thô tục. Xếp hình của Tăng Nhật Tuệ cũng lĩnh hậu quả không khác.

Những ca khúc kiểu này gần như chỉ được coi như một cách làm nhạc câu khách, rẻ tiền. Ngoài ra, không có một giá trị gì với sự phát triển của nền âm nhạc.


Từ Khóa:

Tin Liên Quan