logo
Thứ năm, 09/11/2023 14:14:05

‘Không phải chạm vào mới là quấy rối’


Ngoài các hành vi như chạm vào cơ thể, các lời nói, cử chỉ, bình phẩm ngoại hình hay thậm chí nhìn chằm chằm vào người khác mà không có sự đồng ý đều bị coi là quấy rối tình dục.

 
Thai Trinh bi quay roi anh 1

Ngày 22/3, Thái Trinh cho biết bị một nhân viên quay phim quấy rối bằng lời nói khi tham gia ghi hình cho một chương trình truyền hình. Cụ thể, người này đã bình phẩm, đánh giá ngoại hình, so sánh việc cô bấm chuông nhanh với hành động nhạy cảm.

Nhiều người vẫn coi các hành vi quấy rối bằng lời nói “không nghiêm trọng” như đụng chạm thể xác, những kiểu quấy rối tình dục này thường chỉ bị coi là “trò đùa vô hại” hoặc lời nói vô ý. Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn sai lầm.

Thai Trinh bi quay roi anh 2

Liên Hợp Quốc định nghĩa quấy rối tình dục là hành vi tình dục mà người bị tác động không mong muốn, có thể là hành vi gợi ý, đòi hỏi về tình dục bằng ngôn ngữ hay đụng chạm cơ thể.

Theo định nghĩa, nhìn chằm chằm hoặc thể hiện cử chỉ mà người đó không muốn; gửi thư, tin nhắn, gọi điện tán tỉnh, đùa giỡn, đặt câu hỏi hoặc bình luận về tình dục khiến đối tượng khó chịu; gọi một người lớn là “gái”, “khoai to”, “em yêu”; huýt sáo trêu ghẹo; hay khi thảo luận công việc lại chuyển qua nói chủ đề tình dục đều là quấy rối.

Định nghĩa này nhấn mạnh yếu tố “không mong muốn” của hành động. Nạn nhân bị quấy rối tình dục bề ngoài vẫn có thể chấp nhận để hành vi đó diễn ra ở mức độ nào đó, nhưng nó vẫn là hành vi xúc phạm và gây khó chịu.

Thai Trinh bi quay roi anh 3

Trong các nghiên cứu của ActionAid tại Việt Nam, có từ 67% (số liệu năm 2016) – 87% (số liệu năm 2014) phụ nữ và trẻ em gái đã ít nhất bị một lần quấy rối ở nơi công cộng. Quan trọng hơn là 2/3 những người chứng kiến (67%) sự việc không làm gì cả.

Theo bà Hoàng Phương Thảo – Trưởng Đại diện ActionAid Việt Nam, vấn đề này có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do phần lớn những người chứng kiến cho rằng chỉ khi có hiếp dâm thì mới là quấy rối hoặc là con gái/phụ nữ thì chắc chắn là phải vui vì có người “trêu”.

Bà Thảo từng nhận định với Zing: “Các quan điểm sai lệch về việc ‘làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu’ hay quan điểm về việc ‘sức mạnh của đàn ông đích thực được thể hiện qua khả năng tình dục của người đó’ còn rất phổ biến trong nhiều gia đình, nhiều tầng lớp trong xã hội làm cho khái niệm ‘quấy rối tình dục’ trở nên khá xa vời”.

Thai Trinh bi quay roi anh 4

Nhiều nước châu Á đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề quấy rối tình dục phụ nữ, nhất là quấy rối bằng lời nói.

Theo bộ luậtht mới của Trung Quốc có hiệu lực từ tháng 1, quấy rối tình dục có thể dưới dạng lời nói, chữ viết, hình ảnh hay tiếp xúc trực tiếp. Trong những trường hợp như vậy, nạn nhân có quyền yêu cầu thủ phạm phải chịu trách nhiệm dân sự.

Bộ luật này cũng cho biết các công ty có thể phải chịu trách nhiệm về hành vi quấy rối tình dục do nhân viên gây ra.

Tại Việt Nam, Nghị định 145/2020/NĐ-CP về quấy rối tình dục nơi công sở có hiệu lực từ 1/2/2021 định nghĩa quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục.

Quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể, trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.

Bà Lê Thị Lan Phương, chuyên gia quản lý dự án “Xóa bỏ bạo lực với phụ nữ” thuộc tổ chức UN Women Vietnam (Cơ quan của Liên Hợp Quốc bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam), từng nói với Zing rằng để giải quyết vấn đề này, giáo dục là một trong những biện pháp cần chú trọng.

Rộng hơn, sự can thiệp về luật pháp, thay đổi chính sách là giải pháp quan trọng để giảm thiểu các hành động xấu trong cộng đồng. Tại Việt Nam, luật về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình đã có nhưng chưa có luật nào liên quan đến việc quấy rối tình dục.

Theo Zing.vn


Từ Khóa:

Tin Liên Quan